25/11/2016
15

Dù bay – nâng cánh đam mê chinh phục (bài 3)

Bài 3 - Gia đình VietwingsHanoi

Tuấn “chuột” kể: “Các bác, các anh ở Vietwings Hanoi rất dễ gần và hào phóng, cho bọn em mượn toàn bộ thiết bị tập và cả ô tô, tận tình kiên trì chỉ bảo từng động tác kỹ thuật nhỏ. Mỗi lần vấp ngã đứng dậy, mọi người đều nhận được ánh mắt ấm áp động viên và những phân tích kỹ thuật quý giá; mỗi buổi tập dù đều giống ngày hội tràn ngập tiếng cười.  CLB như một đại gia đình ấm áp, nơi những thế hệ đi trước tận tình truyền cho thế hệ đi sau ngọn lửa của sự đam mê.”

Nhay du 191

Mỗi lần hạ cánh thành công, các đồng đội xúm lại chúc mừng

Đôi nét về lịch sử

Con người luôn khao khát được bay. Kể cả khi những chiếc phi cơ đã khiến việc “lên trời” trở thành đơn giản, rất nhiều người vẫn theo đuổi ước mơ được chao liệng tự do như loài chim.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi Walter Neumark có ý tưởng cất cánh bằng cách chạy xuống dốc với một cánh bằng vải. Và môn dù lượn chính thức ra đời năm 1978 sau hai chuyến bay của các “phi công” người Pháp là Jean-Claude Bétemps và André Bohn. Giải vô địch thế giới dù lượn đầu tiên được tổ chức tại Áo năm 1989.

Năm 2004, người ta đã thống kê sơ bộ số lượng “phi công” dù lượn ở Pháp là hơn 25.000. Các nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, Nhật, Hàn Quốc, mỗi quốc gia có khoảng 15.000 – 20.000 “phi công”. Ý, Anh, Tây Ban Nha có số người đam mê môn thể thao mạo hiểm này ít hơn, khoảng 7.000 – 10.000, Mỹ có khoảng 4.500… Hiện tại chưa ai thống kê được chính xác, điều chắc chắn là số lượng người bay dù lượn không ngừng gia tăng. Hàng năm trên thế giới có nhiều cuộc thi được tổ chức, như bay dù lượn đường trường, thi bay cao, bay qua 3 điểm định trước, bay nhào lộn, thậm chí là thi hạ cánh chính xác vào điểm đáp là một vòng tròn nhỏ như miệng lọ mứt…

Tại Việt Nam, dù lượn được 2 phi công người Pháp là Stephane và Didier du nhập vào từ năm 1994 ở Đà Lạt. Ông Didier hiện vẫn đang gắn bó với đất nước tươi đẹp hình chữ S, dẫu không bay dù lượn nữa. Tính đến nay, số lượng phi công dù lượn tại Việt Nam khoảng trên 80 người, thuộc các câu lạc bộ Vietwings, Saigon Flying, Vietwings Hanoi và Hà Nội Paragliding.

Nhay du 200

Câu lạc bộ Vietwings Hanoi, nơi tôi được “cọ xát” với môn thể thao mạo hiểm có sức cuốn hút phi thường này, thành lập năm 2007 với 4 thành viên. Hiện nay CLB có 18 “phi công” được bay chính thức, trong đó 8 người là học viên khóa 1 của Vietwings Hanoi vừa được các đàn anh đào tạo.

2011 là năm hoạt động sôi nổi nhất của Vietwings Hanoi kể từ ngày thành lập. Câu lạc bộ đã mời HLV người Pháp Jean Marc Tur, một cơ trưởng của Vietnam Airlines, huấn luyện các học viên mới và trau dồi thêm kỹ thuật bay cho các phi công kỳ cựu. Nhiều phi công dù lượn đến từ Pháp, Thụy Sĩ như Philipe, Christophe, Pascal… đã tìm đến Vietwings Hanoi. Thông qua giao lưu với các vận động viên quốc tế, “phi công” dù lượn Việt Nam học được rất nhiều kỹ thuật bay đỉnh cao của thế giới.

Tiếp nối thành công năm trước, Vietwings Hanoi đã “xuất quân” với toàn bộ lực lượng ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2012, bằng chuyến bay hoành tráng xuất phát từ đỉnh Langbiang, chào mừng lễ hội hoa Đà Lạt.

Trong những chuyến “lên núi” và “lên trời” cùng Vietwings Hanoi, tôi được nghe các “phi công” thảo luận sôi nổi về kế hoạch tổ chức các cuộc thi dù lượn, trước hết là cho vận động viên trong nước, sau đó sẽ nâng tầm quốc tế. “Chúng tôi đã lên chương trình, đang tiến hành các thủ tục cần thiết; đồng thời tham khảo các cuộc thi quốc tế để có thể tổ chức tốt nhất. Nếu được các cơ quan chức năng cho phép, cuộc thi đầu tiên dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 6 tới tại núi Linh Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Chúng tôi tin, qua những cuộc thi như thế, người yêu thể thao nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sẽ biết đến dù lượn và coi đây như một môn thể thao đại chúng” – đó là chia sẻ của anh Nguyễn Việt Hà, một trong những “phi công” kỳ cựu từ ngày đầu thành lập Vietwings Hanoi.

Nhay du 160

Chung ánh mắt hướng lên bầu trời

Sức hấp dẫn của những cánh dù thật khó cưỡng lại. Tôi tìm đến Vietwings Hanoi với ý định ban đầu chỉ là đi thực tế để viết bài, thế rồi “một ngày đẹp trời” lại quyết định nộp hồ sơ đăng ký khám tuyển “lính dù”. Theo lời khuyên của anh Chung: “Nếu Việt yêu thích môn này thì nên học dù tròn trước (nhảy từ máy bay), lấy kiến thức cơ bản đã, sau đó học dù lượn sẽ rất nhanh. Yên tâm, hôm nào đi bay anh sẽ gọi”.

Được lời như cởi tấm lòng, hễ bố trí được thời gian là tôi lập tức xin “bám càng Vietwings Hanoi” và lại… “lên trời”. Không phải lần nào cũng được bay, hôm thì thiếu dù, bữa lại gió không thuận, có chuyến mất 2 ngày vào Thanh Hóa hăm hở lên núi rồi lại… trèo xuống. Buổi nào bay được thì cảm giác lâng lâng đến mấy ngày sau. Nhưng dẫu bay được hay không thì đó luôn là những chuyến dã ngoại đầy ắp tiếng cười thư thái trong không khí gia đình đầm ấm và cởi mở.

Mỗi thành viên một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau dù đều mạnh mẽ, các “phi công” Vietwings Hanoi gắn bó với nhau và chia sẻ đam mê chung là “phượt” cùng mây gió giữa bầu trời.

HLV trưởng Jean Marc Tur có vẻ ngoài trầm lặng nhưng vẫn đậm chất lãng mạn Pháp, ông thường gọi chiếc dù là “cô ấy” (she) và ngước ánh nhìn đầy trìu mến mỗi khi “cô ấy” sải cánh căng tròn bên đỉnh núi. Marc luôn chu đáo cẩn trọng, dành hết tâm huyết hướng dẫn kỹ thuật cho mọi người, hoàn toàn không lấy thù lao.

Nhay du 201

HLV trưởng Jean Marc Tur cùng các phi công trao đổi kinh nghiệm sau mỗi chuyến bay dù

Anh Đặng Thành Chung được gọi là “người trời”, nhập ngũ từ 1987. Năm 2000, anh được bổ nhiệm làm giáo viên dù của Trung tâm Quốc gia Huấn luyện tìm kiếm, cứu nạn đường không. Năm 2002 anh đã được Quân chủng Phòng không – Không quân phong cấp dù vuông (một loại dù đòi hỏi kỹ thuật điều khiển rất phức tạp) – cấp độ cao nhất đối với “lính dù”. Anh từng “rơi tự do” từ độ cao 1.800m và chỉ bật dù khi cách mặt đất vài trăm mét. Năm 2003, anh vinh dự được mang Quốc kỳ Việt Nam dẫn đầu đội bay 7 người diễu qua khán đài trong lễ khai mạc Sea Games 22. Anh Chung tiếp xúc với dù lượn ngay từ khi môn thể thao này được du nhập vào Việt Nam và bây giờ anh có thể “vừa bay dù vừa uống trà ngắm cảnh”. Điều thú vị nữa là với “đồ nghề phóng viên” còn “xịn” hơn của tôi, anh Chung đã chụp hàng ngàn tấm ảnh tuyệt đẹp khi đang lơ lửng giữa trời.

Anh Phạm Quang Tuấn – Trưởng ban cán sự của Vietwings Hanoi – từng gần 14 năm làm sĩ quan tác chiến không quân, cho biết khi vừa “gặp” dù lượn đã “mê tít” tới mức chưa biết bay nhưng lập tức sắm ngay bộ dù mới toanh. Hiện đang mở một công ty du lịch, anh Tuấn có ý tưởng táo bạo là đưa dù lượn vào các tour du lịch. Với nỗ lực không ngừng mở rộng hoạt động của Vietwings Hanoi, anh “bật mí” với tôi rằng đang chuẩn bị nhận 2 bộ paramotor (dù bay bằng động cơ) đặt mua ở nước ngoài.

Anh Hoàng Long – người giúp tôi “nhập môn” dù lượn trên Đồi Bu – từ khi học lớp 7 đã mê mô hình máy bay và những thứ liên quan đến bầu trời. Anh Long thuộc lớp “lính dù” đầu tiên của Việt Nam, từng sống tại Nga hơn chục năm, chơi dù lượn ở bên đó. Hiện anh Long là thành viên Ban huấn luyện Vietwings Hanoi cùng với anh Chung, anh Tuấn và anh Nguyễn Việt Hà. Anh Hà kinh doanh đèn trang trí nội thất, nhưng niềm đam mê của anh dành trọn cho những cánh dù. Biết đến dù lượn từ 1996, lúc đó chỉ có ở Đà Lạt, anh Hà từng định chuyển vào Nam sống “để tiện bay dù”. Nhưng như anh tâm sự, “nỗi lo cơm áo” làm gián đoạn giấc mơ bay, cho đến khi anh cùng “đồng đội” quyết định thành lập Vietwings Hanoi…

DSC_0552

Phiêu giữa bầu trời

Một trong những “phi công” khiến tôi nể trọng nhất là bác Nguyễn Hữu Nam. Đường đến với Vietwings Hanoi của bác Nam thật thú vị: đưa cậu cả (bác có 2 con trai, sinh đôi) đi tập dù, đến khi con bận học phải bỏ thì bố “bén duyên” dù lượn. Hơn 60 tuổi, trong chuyến bay dịp Noel năm ngoái, bác Nam bị tai nạn, chấn thương cột sống, phải nằm viện cả tháng, các bác sĩ khuyên nên tĩnh dưỡng lâu dài. Nhưng chỉ 3 tháng sau tai nạn, bác Nam đã lại “vi vu lưng trời” và tuyên bố: “Tôi sẽ bay đến khi nào già, rồi sẽ mở trại dù lượn ở núi Viên Nam”. Hiện bác đang giúp cậu con trai thứ hai tập dù…

Nối gót các tiền bối, lớp “phi công trẻ” của Vietwings Hanoi cũng đang tự khẳng định mình, góp thêm nhiệt huyết của đam mê và sức trẻ, không ngừng nâng cao trình độ bay.

Quỳnh Anh nhỏ nhắn nhất khóa, có khi phải đeo thêm thiết bị cho “đằm”, song điều khiển dù rất chuyên nghiệp, tỷ lệ cất cánh thành công rất cao. Gia đình nhiều năm sống ở Nga, và cô cũng từng bay dù lượn bên đó như anh Long. Các anh lớn trong CLB thường khen kỹ thuật và năng khiếu của Quỳnh Anh và Tuấn “chuột” – chàng trai vóc dáng cũng nhỏ song bay dù rất chắc chắn. Bình thường Tuấn khá kiệm lời, nhưng khi “vung bút” thì văn chương bay bổng đến bất ngờ. Xin trích dẫn vài dòng trong bài viết của Tuấn sau chuyến bay đầu tiên: “…Tôi như chú chim kiêu hãnh sải cánh trong bầu trời tự do vô tận. Tôi thử sải tay sang ngang và cảm nhận gió đang thổi vào “cánh” của mình. Giờ thì đã hiểu tại sao những chú chim lại thích thú với cảm giác bay lượn đến thế. Bạn còn muốn một thế giới như thế nào nữa? Không phải nó quá sức tuyệt vời rồi hay sao?”.

Cùng tên Tuấn, nhưng biệt danh “Ivan” là một tính cách khác hẳn. Cậu “phi công trẻ” này hay chuyện, tếu táo khá vui; bay dù thì “quyết liệt”, ngã liên tiếp vẫn đứng dậy cất cánh bằng được. Nhưng khi “thể hiện tình cảm” lại chọn cách “lặng im tủm tỉm” công phu dán chữ lên dù bay mừng sinh nhật bạn gái.

Còn Thùy Dương, cô “phi công trẻ” có biệt danh “Alex” thì tâm sự với chút ấm ức: “Có nhà báo đi cùng Vietwings Hanoi, viết bài, đăng ảnh em lại chú thích là “vợ con, bạn gái của các phi công cũng đi theo cổ vũ”. Cứ làm như dù lượn chỉ dành cho đàn ông ấy!”. Thùy Dương tốt nghiệp đại học chuyên ngành Du lịch, hiện làm tại một khách sạn lớn ở Hà Nội. Cô út trong gia đình có 3 chị em gái này học dù lượn rất nhanh, chỉ tập 5 buổi đã lên núi để HLV hướng dẫn bay solo – một thành tích đáng nể, không phải học viên nam nào cũng làm được…

Dù lượn lôi cuốn cả những người nhiều năm gắn bó với “dù truyền thống” như anh Đỗ Văn Ơn. Thiếu tá Ơn hiện là giáo viên đào tạo nhảy dù thuộc Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc, nhưng cũng tham gia Vietwings Hanoi từ 2008. Anh Ơn đã hướng dẫn thủ tục và trực tiếp đưa chúng tôi đi khám tuyển “lính dù” tại Viện Y học Hàng không. Rồi lại đến “một ngày đẹp trời”, gặp nhau trên núi trong một chuyến bay dù lượn, anh Ơn thông báo tôi đã trúng tuyển lớp nhảy dù Khóa 6 của CLB Hàng không phía Bắc.

Nhận những cái bắt tay chúc mừng thân thiết từ gia đình Vietwings Hanoi, nhìn mấy cánh dù vút lên từ đỉnh núi, cảm giác lâng lâng quen thuộc lại dâng lên trong tôi khi biết mình sắp bước vào một cuộc phiêu lưu mới đầy đam mê…

Nguyễn Việt

Nhay du 156

Nụ cười chiến thắng sau chuyến bay thành công

Bình luận