15/03/2018
15

Hướng dẫn chọn mua mũ bảo hiểm

Mũ bảo hiểm bảo vệ hộp sọ khi xảy ra va chạm. Mũ bảo hiểm đúng chuẩn EN966 là cần thiết cho các phi công từ khi bắt đầu tập bay dù lượn cho tới khi đã trở thành phi công kinh nghiệm.

1. Mũ bảo hiểm cho dù lượn và mũ bảo hiểm xe máy:
Mũ bảo hiểm xe máy được thiết kế ôm chặt vào đầu và bảo vệ người lái xe ở vận tốc cao. Các va chạm của tai nạn xe máy thường là một va đập mạnh và sau đó là các va chạm vừa phải do kéo lê. Do đó mũ bảo hiểm cho xe máy thường có khoảng nhìn hẹp, ôm chặt vào đầu người sử dụng, khá kín và nặng nề. 
Mũ bảo hiểm dù lượn đạt tiêu chuẩn EN966 thường được thiết kế với khoảng nhìn rộng, nhẹ, thoáng mát nhưng vẫn bảo vệ tốt hộp sọ khi xảy ra các va chạm. Các va chạm của thể thao hàng không thường là một va đập rất mạnh do đó mũ bảo hiểm theo chuẩn EN966 thường có một lớp vỏ ngoài khá cứng và một lớp bảo vệ phía trong vừa đủ dày để hạn chế các tác động của va đập vào hộp sọ.
Một chiếc mũ bảo hiểm loại không dành cho dù lượn tốt, vừa đủ nhẹ, vừa đủ thoáng mát và dễ quan sát thường sẽ tương đương giá tiền của một chiếc mũ bảo hiểm dù lượn chuyên dụng, bên cạnh đó lại có thể không hoàn toàn bảo vệ được bạn khi gặp sự cố. Do đó tốt nhất hãy mua chiếc mũ bảo hiểm cho dù lượn đạt chuẩn EN966.
2. Mũ fullface, hở mặt, có kính hay không?
Ưu điểm của các mũ hở mặt là có khoảng nhìn rộng và nhẹ cân, do đó phi công có thể quan sát thoải mái, không mỏi cổ quay qua quay lại khi bay.
Các mũ fullface lại bảo vệ cằm và mặt tốt hơn khi va chạm, nhưng thường nặng hơn 200-300gr so với mũ hở mặt. Ngoài ra mũ fullface có thể giảm tiếng ồn khi bay, giúp các liên lạc qua radio của phi công rõ ràng hơn.
Nhiều loại mũ bảo hiểm có kính, có thể tháo rời. Kính của mũ bảo hiểm sẽ giúp che ánh nắng cũng như chắn gió, giữ ấm tốt hơn so với sử dụng kính râm bình thường, đồng thời giúp bạn giữ được khoảng quan sát rộng, tuy nhiên nhiều phi công lại thích cảm nhận tốc độ gió thổi vào mặt nên không thích sử dụng kính.
3. Kích cỡ mũ bảo hiểm:
Một chiếc mũ vừa size sẽ giúp bạn thoải mái nhất khi bay đồng thời bảo vệ bạn tốt nhất. Nếu có thể hãy thử mũ theo phương pháp sau trước khi quyết định mua. Đầu tiên hãy đo size của bạn như ảnh dưới.
Sau đó liên hệ với người bán mũ để đội thử (nếu có thể). Đội mũ vào và cài quai vừa đủ chặt. Nếu bạn cảm thấy bị kích ở đâu đó, chiếc mũ có thể chật so với bạn, hãy thử chiếc có size lớn hơn. Di chuyển đầu theo các hướng, nếu mũ lúc lắc hoặc trượt lên xuống, chiếc mũ có thể rộng so với bạn, hãy thử chiếc có size nhỏ hơn.
Một số loại mũ bảo hiểm có lớp lót có thể tháo rời hoặc có đai chỉnh kích cỡ, bạn có thể chỉnh xem có vừa với mình không.
4. Mũ bảo hiểm cũ hay mới?
Mũ bảo hiểm cũ có thể mua trên các chợ dù, giá từ 50E. Mũ bảo hiểm mới của các hãng tên tuổi (Charly, Icaro2000) có giá từ 100E. Ngoài ra bạn có thể sử dụng mũ bảo hiểm của hãng Azul (China) có giá từ 80$, chất lượng đảm bảo và mẫu mã đẹp (sử dụng mẫu mã của Icaro). Các loại mũ bảo hiểm nếu mua mới có thể về tay bạn trong khoảng 30 ngày với size và màu sắc tuỳ chọn.
Dũng Bim

Bình luận