25/11/2016
15

Dù bay – nâng cánh đam mê chinh phục (bài 2)

Lượn cùng đàn én

Quyết “rửa hận” vụ bay hụt và “hạ cánh bằng… sườn” trên Đồi Bu, tôi liên tục gọi điện nì nèo anh Chung và anh Long. Các anh cười trêu tôi, song rất chân thành: “Mê rồi phải không? Cứ yên trí, dân nghiện bay bọn mình tuần nào không được lên trời cũng khó chịu lắm, gió đẹp là xuất kích nhé!”.

Nhay du 115

Balô đựng dù và phụ kiện nặng đến hơn 20 kg

Trước khi nhảy xuống, phải… leo lên

Chuyến thứ hai, anh Chung lại đón tôi đi lối Đại lộ Thăng Long. Nhìn hướng gió, anh bảo: “Gió Đông – Nam thế này không bay từ Đồi Bu được, ở đó chỉ thích hợp bay vào mùa lạnh, những tháng cuối năm và đầu năm với hướng gió chủ đạo là Bắc – Đông Bắc. Anh em mình sang Viên Nam nhé, lần này phải leo núi, ôtô không lên được”.

Núi Viên Nam nằm cạnh các khu du lịch Suối Ngọc – Vua Bà, Thác Bạc – Suối Sao. Đỉnh Viên Nam cao 1.031 m, sánh vai cùng đỉnh Vua Bà cao 1.050 m, hai dãy núi gắn kết với nhau. Hai “sân bay” nằm ở độ cao khoảng 300 m và 400 m trên núi Viên Nam là điểm đến thường xuyên của cánh “lính dù” trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến cuối năm. Còn một điểm cao độ cất cánh nữa ở đỉnh 800 m, anh Chung và anh Long định hôm nay nếu còn thời gian sẽ lên khảo sát.

Chúng tôi gửi ôtô trong một quán nước nhỏ ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội, gần chân núi. Đội dù lượn thường dừng chân ở đây trước và sau mỗi buổi bay, tiện thuê luôn mấy cậu choai choai trong xóm vác dù lên núi, “thời giá” hiện là 70.000đ/dù/chuyến. Cô chủ quán đon đả: “Các anh ngồi nghỉ đã! Bọn trẻ vác dù cho mấy người đến trước rồi, phải đợi chúng nó quay xuống”.

Sốt ruột lo bị “hụt gió” lần nữa, tôi hỏi anh Chung: “Anh em mình tự vác được không ạ?”. Anh cười hiền lành: “Tớ vẫn vác suốt mà. Lên luôn thôi!”.

Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Tôi khá thường xuyên leo núi nhưng chưa bao giờ vác thêm gì ngoài lương thực, nước uống. Balô đựng dù và mấy thứ phụ kiện lỉnh kỉnh nặng đến hơn hai chục kg, chỉ chực kéo tôi ngã ngửa khi leo lên dốc núi trơn trượt và đầy bụi rậm gai góc, lắm quãng lối mòn chỉ vừa đặt chân. Mới được một quãng ngắn, mồ hôi đã tong tỏng cay sè mắt dưới cái nắng mới váng đầu, thở gắt đến tức ngực, lại thêm chân vẫn đau nhức sau cú ngã do cất cánh hụt hôm trước mà tôi “giấu nhẹm” vì sợ mọi người biết sẽ không cho bay.

Anh Chung động viên: “Lên quãng nữa gió mát là khỏe ngay. Việt mệt thì đưa anh vác cho, đừng cố quá!”. Trót hung hăng đề xuất vụ “hành xác” này, tôi gắng thêm được vài trăm mét rồi đành ngồi phịch xuống “thôi em giả bác”, khâm phục nhìn anh Chung thành thạo xốc balô dù lên vai, leo phăng phăng. Đúng là lính dù chuyên nghiệp! Tôi leo người không mà theo kịp anh cũng muốn hụt hơi.

Muốn mạo hiểm, cần công phu

Nhay du 3-12 206

Các “phi công” lần lượt cất cánh từ đỉnh núi mờ sương

Tôi đến điểm cao 300 m đúng lúc nhóm bạn trẻ gồm Tú, Linh, Quỳnh Anh, Thùy Dương, Tuấn Anh, Tuấn “Ivan”, Tuấn “chuột”… lần lượt cất cánh. Gió thuận, chỉ phải chạy một quãng ngắn là dù bốc lên. Nhìn có vẻ “ngon ăn”, song lần này tôi hết dám chủ quan, mà tập trung quan sát học hỏi cẩn thận. Và các sự cố luôn thường trực. Tôi đang thích thú hướng máy ảnh theo một chiếc dù vừa xuất phát, chợt thảng thốt vì một chút lạc tay lái của “phi công” đúng lúc gió hơi đổi hướng, cánh dù quệt phải tán cây, rơi xuống sườn núi. Cú ngã chắc chắn là nguy hiểm hơn tôi bị hôm trước, nhưng “phi công” có kinh nghiệm nên “ngã đúng bài” rồi lại leo lên bay tiếp. Thêm hai trường hợp hạ cánh trượt xuống ruộng, bùn đất bê bết cả người lẫn dù. Hy hữu hơn, một “phi công” đáp trúng chiếc xe đạp của mấy đứa trẻ xóm núi đang háo hức làm “khán giả”.

Tôi đã đặt cùng một câu hỏi với nhiều “phi công”, cả mới tập sự và người nhiều kinh nghiệm, rằng cái gì khó nhất trong môn dù lượn? Câu trả lời chung là phần hạ cánh thường “xương xẩu” hơn cả. Ước mơ chinh phục bầu trời được tiếp nối qua nhiều thế hệ loài người, nhưng dường như mặt đất luôn “dằn dỗi” với những khát vọng được bay lên, và thường “đón tiếp cộc cằn” mỗi khi hạ cánh. Tuy nhiên, xét về tổng thể, dù lượn là môn thể thao mang rất nhiều yếu tố mạo hiểm, “công đoạn” nào cũng có thể gặp rủi ro. Sự mạo hiểm luôn hấp dẫn, song trước khi dấn thân vào mạo hiểm, các “phi công” phải trải qua một quá trình học tập, chuẩn bị nghiêm túc, công phu.

Dường như không có một “hạn mức” chung cho tất cả mọi người. Một số bạn trẻ cho biết, họ thường tập trên mặt đất khoảng mươi buổi, thậm chí dăm bảy buổi, là có thể lên núi “bay thật”, tất nhiên phải có huấn luyện viên đi kèm và điều khiển bay qua bộ đàm. Bác Nam thì quả quyết với tôi rằng nếu định theo môn này, hãy chuyên tâm “tập ở sân Yên Sở khoảng nửa năm rồi tính tiếp”, vì mỗi lần cất cánh sẽ là một lần điều khiển chính cuộc sống của mình, nên cẩn trọng bao nhiêu cũng không thừa. Các huấn luyện viên cũng không trả lời cụ thể câu hỏi “bao lâu?”, mà thường khi quan sát và kiểm tra từng người “dưới đất” thấy ổn rồi mới cho “lên núi”.

Nhay du 141

Đôi giày của một “phi công” vừa hạ cánh xuống… ruộng

Tuấn “chuột” chia sẻ: “Khi mới tập, em liên tục lặp lại điệp khúc ngã và ngã, lăn xuống triền đồi tập: lần thứ nhất ngã bổ nhào xuống mặt đất, lần thứ 2 lộn vòng trong đám dây dù, dây rối tinh lên và tay chân thì xây sát hết cả; lần thứ ba phanh không đúng lúc, dù bị mắc vào dây điện và dây bị mắc vào bụi cây, mọi người mất rất nhiều thời gian để gỡ giúp… Cảm giác bực bội xen lẫn xấu hổ sau mỗi lần thực hiện không thành công khiến em càng hành động giống như một chú ngựa hoang. Huấn luyện viên đã cảnh báo là sự nóng vội ấy có thể sẽ giết chết em nếu bay thật. Trong những chuyến bay, bất kể thời tiết ngoại cảnh như thế nào, phi công vẫn phải tới đích an toàn. Không thể giải thích với mạng sống của mình và hành khách vì bất cứ sự nóng vội, mất bình tĩnh nào. Mục tiêu chính của huấn luyện không phải là bay, mà phải tập trung thuần thục kỹ thuật. Bay lượn, việc đó chỉ nghĩ đến khi đã đủ khả năng điều khiển cánh dù như ý muốn.”

Tất nhiên, vẫn có cách “lên trời” ngay, dù chưa học hành đến nơi đến chốn, đó là bay cùng huấn luyện viên.

 7 phút phiêu bồng 

Đây là lần thứ hai tôi được chạm đến cánh dù. Vòm dù có diện tích khoảng vài chục mét vuông, được thiết kế thành những xoang dù may bằng vải mỏng, “phi công” nâng dù bằng cách kéo nhóm dây liên kết với cửa các xoang dù. Cũng phải nói thêm là do nguyên lý cất cánh ngược gió như máy bay, nên người điều khiển dù lượn cũng gọi là “phi công”. Khi ít gió, phải cất cánh xuôi, nghĩa là “phi công” phải chạy về phía xuất phát của gió để bơm căng cánh dù. Khi gió mạnh, “phi công” có thể hướng mặt nhìn vào dù, giật dây đưa dù lên đỉnh đầu và xoay người lại lấy đà “cất cánh ngược”…

Nhay du 172

Anh Chung cẩn thận kiểm tra lại một lượt, dù tôi đã nhớ và tự làm được các khâu chuẩn bị, rồi đeo bộ đàm vào vai tôi cùng chiếc máy đo độ cao. Anh bảo: “Mới học, hãy tập cất cánh xuôi đã. Lát nữa Việt chạy thẳng hướng con đường mòn dưới núi kia nhé!”.

Nãy giờ mải “học thầy, học bạn”, lúc này tôi mới nhìn xuống hướng anh chỉ và không khỏi hồi hộp với khoảng trống mênh mông hun hút mở ra dưới chân. Chỉ có vài chục mét thoai thoải để chạy, sau đó là bờ vực rồi, dù chẳng vách đá ngất trời thì cũng sâu vài trăm thước và “dưới đáy” chẳng êm ái gì. Đúng là khi nhìn từ trên cao này xuống, đối diện với một chút nguy cơ ngã gãy cổ, mới thấy “mặt đất” không chỉ có bon chen ngột ngạt như hàng ngày, mà chợt quá đáng yêu, và thêm một lần thấm thía điều tưởng chừng vô cùng giản dị rằng cuộc đời thật đẹp!…

Nhìn kỹ hơn, tôi giật thót vì “con đường mòn” anh Chung bảo tôi hướng thẳng tới, chính là lối đi giữa… nghĩa trang! Rõ ràng là tôi chẳng muốn đáp xuống đó tẹo nào, ít nhất cũng không phải hôm nay(!)

Nhưng anh Chung đã hô: “Chạy! Chạy!… Chạy khỏe!”. Tim đập như trống trận, tôi lao xuống dốc núi, bước thấp bước cao đạp lên những búi cỏ, những mô đất và cả bụi rậm… Đúng lúc tưởng không còn lối nào để chạy thêm, vì sườn núi trước mặt đã sâu hụp xuống, thì bước chân chợt lạng đi khi cánh dù căng gió nhấc bổng tôi lên. Vài giây sau, tôi đã bay là là trên những bông hoa cỏ đang xôn xao trong gió chiều… rồi cả rặng keo mới trồng cũng phất phơ phía dưới cách vài chục mét… Cái “sân bay” trên đỉnh 300 nơi tôi vừa cất cánh cứ nhỏ dần, nhỏ dần dưới chân khi dù bốc lên cao.

Nhay du 157

Cánh dù rẽ gió theo một đường vòng cung ngoạn mục bên dãy núi đang cồn lên muôn tầng mây trắng. Gió lồng lộng thốc vào mặt mát lạnh và thơm ngát hương rừng. Một đàn én tung tăng ngang mắt, buông giọng ríu rít đoản khúc mừng buổi chiều cuối xuân đã bừng nắng hạ. Đàn chim nhỏ hình như tò mò với “đồng đội” to lớn sặc sỡ, nên cứ chao liệng mãi quanh cánh dù… Xa xa phía dưới là những thảm xanh non tươi, mỡ màng của đồng ruộng, vườn cây trái xen giữa nền xanh sậm và mờ ảo hơn của những vạt rừng trải từ đỉnh núi xuống thung lũng.

Từng vài lần bay dù tại các khu du lịch nên ít nhiều tôi đã quen với độ cao, không còn “ngợp”. Tuy nhiên đó là bay dù ngoài biển, được xuồng máy kéo và đã mặc áo phao; không thể so sánh với “lượn cùng đàn én” lần này. Cảm giác bay bổng thật sự khiến lòng dạt dào phơi phới khi tầm mắt phóng xa qua cả chân mây và hồn thỏa sức phiêu du cùng gió.

Tôi “quên sạch mọi chuyện trên đời” cho đến khi anh Chung gọi: “Chụp ảnh đi Việt ơi!” – Một trong những điểm tuyệt vời của dù lượn, đó là chiếc “đai ngồi” giúp giảm khá nhiều rủi ro, nhất là khi hạ cánh, còn lúc lượn giữa trời, “phi công” có thể thoải mái “vắt chân chữ ngũ”, tha hồ chụp ảnh quay phim…

Dù tiếp tục lượn vòng, hạ dần độ cao. Chặng cuối này gió hơi lặng, tôi “xuống” khá nhanh, lại thêm thiếu kinh nghiệm tiếp đất nên không tránh được cú ngã thứ hai giáng thẳng cái chân đau hôm trước. Được cái “hồn vẫn trên mây” nên không đau lắm, vẫn cười tươi đáp lễ được các “phi công trẻ” nhiệt tình và chân thành “Chúc mừng anh đã bay!”.

Anh Chung bấm đồng hồ, thông báo: “Phiêu được hơn 7 phút nhà báo ạ! Lần sau gió tốt hơn sẽ mời Việt một chuyến chán thì xuống nhé”.

Nguyễn Việt

Nhay du 145

Nguồn: websongdep.com

Bình luận