25/11/2016
15

Dù bay – nâng cánh đam mê chinh phục (bài 1)

Bài 1 - Nhập môn trên Đồi Bù

Tưởng nhớ anh Đặng Thành Chung và các đồng đội đã hy sinh trong vụ tai nạn trực thăng quân sự ngày 7/7/2014 tại Thạch Thất, Hà Nội

1456639_10200303209941983_288400439_n-ea275

Nhảy dù và chụp ảnh là 2 đam mê của anh Đặng Thành Chung

Bài 1: Nhập môn trên Đồi Bu

Thiếu tá Đặng Thành Chung – giáo viên huấn luyện dù tìm kiếm cứu nạn đường không – hẹn đưa tôi đi bay dù từ khá lâu. Nhưng mãi mà “trời chẳng chiều người”, cả tháng ròng mưa dầm gió bấc sụt sùi, được ít hôm hửng nắng thì hai anh em lại bận việc “dưới mặt đất”, được người nọ thiếu người kia. Anh Chung nói vui là môn dù lượn đôi khi cũng “đỏng đảnh” như thế, phải hội đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới bay được.

DSC_0532

Trắc trở đường lên núi

Cuối cùng thì cuộc điện thoại quyết định cũng đến vào một trưa thứ bảy. Giọng anh Chung náo nức: “Nắng đẹp rồi, gió tốt lắm! Đi ngay nhé, 10 phút nữa anh đón.” Cuống cuồng vơ “đồ nghề”, bắt xe ôm ra điểm hẹn, vừa lúc ôtô xịch đến. Đúng tác phong quân đội. Anh Chung cho biết sẽ đón thêm vài người nữa và phải khẩn trương, “kẻo hết gió”.

Ngỡ sẽ gặp thêm mấy phi công cao to, tôi hơi bất ngờ khi thấy hai “tiền bối” một nam một nữ lên xe. Đó là bác Nguyễn Hữu Nam, trước công tác trong ngành bưu điện, nay đã nghỉ hưu, là phi công cao tuổi nhất của câu lạc bộ dù lượn Vietwings Hà Nội; và chị Hoa – cổ động viên trung thành của cánh “lính dù” từ nhiều năm nay. Qua gần lối vào siêu thị Big C, một ôtô nữa cũng đang chuẩn bị xuất phát, loáng thoáng mấy khuôn mặt cả “trung” lẫn “nhí” vác balô dù to đùng, đủ biết những cánh dù đã “hớp hồn” khá nhiều người, chẳng phân biệt tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp.

Xe bon nhanh trên Đại lộ Thăng Long. Vẫn tác phong “không để phí một phút nào”, nhưng Thiếu tá Chung luôn giữ tốc độ đúng quy định trên biển báo của từng đoạn đường, chạy đúng làn đường dành cho xe con. Anh chia sẻ với tôi như một lời căn dặn: “Môn dù lượn đầy đam mê song cũng nhiều nguy hiểm, nên yếu tố an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu, phải rèn tính cẩn trọng hàng ngày, ví dụ như trong việc lái xe”. Nghiêm túc xong, anh lại cười sảng khoái: “Chứ không phải vì hôm nay có nhà báo giám sát thì tớ mới chạy xe đúng luật đâu nhé!”

Ngang qua Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, xe chạy thêm ít cây số nữa rồi rẽ vào con đường đất đá gồ ghề ngoằn ngoèo dẫn về xã Nam Phương Tiến, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, giáp ranh với huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình. Gia đình anh Bảy ở thôn Núi Bé là địa chỉ quen thuộc, đội dù thường ghé qua trước khi lên núi, đến mức cả đàn chó đang nằm ườn phơi nắng cũng nhận ra khách quen, chỉ vẫy đuôi chứ tịnh không con nào sủa.

Nhay du 169

Những chiếc dù màu sắc sặc sỡ được gấp rất cẩn thận

Chỉ ngọn núi trước mặt, bác Nam giới thiệu: “Đồi Bu đấy, cao khoảng 615m so với mặt nước biển, còn độ cao tính từ “sân bay” – nơi vận động viên xuất phát bay dù, còn gọi là cao độ cất cánh – xuống mặt đất (cao độ điểm đáp) là khoảng 550m. Ở đây có thể ngồi ôtô lên đỉnh núi được, nhưng mình thích leo hơn, vận động cho khỏe người”…

Tôi khoan khoái ngắm mấy cánh cò trắng thanh bình lượn trên những thửa mạ non mơn mởn trong thung lũng và đám mây xốp bông đón nắng mới đầu hè bên đỉnh núi. Gió vẫn rất thuận cho việc cất cánh, khiến ai cũng hào hứng, nhưng chợt một giọng oang oang phát ra từ mấy chiếc bộ đàm vừa bật, làm mọi người giật mình: “Xe tăng bị tai nạn trên núi, chưa lên được đâu!”. Cả mấy người cùng vội gọi bộ đàm: “Alô! Có ai việc gì không? Bị như thế nào?” – “Yên tâm! Người không sao, nhưng phải gọi xe tải lên kéo ôtô sụp rãnh”.

Chưa hết lo lắng, chúng tôi vội nhảy vào xe và ngay lập tức tôi “nếm mùi” con đường mòn vừa mấp mô xóc nảy người vừa dốc ngược, cành cây lòa xòa quệt vào cửa xe ràn rạt. Đồi Bu nhìn từ dưới có vẻ “hiền lành” nhưng đường lên khó ra trò, đầy những khúc cua nguy hiểm, tay lái non chắc không dám thử sức. Ở lưng núi, giữa con dốc dài vòng vèo, một nhóm người đang loay hoay quanh chiếc Silverado giơ cả hai bánh trước “nhìn giời”, bánh sau sụp dưới rãnh sâu sát taluy dương. Chiếc ôtô dã chiến được gọi là “xe tăng” này chuyên để chở dù lên núi, hôm ấy cũng không thắng nổi con dốc trơn sau những ngày mưa rả rích.

Cả đoàn hì hục đào đất gạt đá cứu xe, mắc dây cáp cho xe tải kéo lên. Năm lần bảy lượt động cơ cả hai xe cùng gầm rú, bánh vẫn quay tròn tại chỗ, khói bụi mù mịt khét lẹt mùi lốp cháy. Thế mới biết muốn “lên trời” chẳng dễ.

Nhay du 126

“Cất cánh” từ “sân bay” bên sườn núi

Cú ngã đầu tiên và những bài học vỡ lòng

Quệt mồ hôi ròng ròng trên trán, Thiếu tá Chung ngước nhìn bầu trời xanh ngắt, nơi có hai cánh dù của các đồng đội lên trước đang thảnh thơi lượn vòng, bảo tôi bằng giọng tiếc nuối: “Gió đẹp thế mà anh em mình chết gí ở đây! Dù đang bắt được thermal đấy.”

Nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, Bác Nam giải thích: Thermal flying nghĩa là bay theo cột khí nóng. Khi trời nắng, dưới đất có những vùng bị hun nóng với nhiệt độ khác nhau, ví dụ như giữa cánh đồng sẽ nóng hơn trong rừng. Không khí tại những nơi nóng hơn sẽ bốc lên cao thành những cột khí nóng, gặp gió thổi ngang làm cột khí bốc lên với góc nghiêng. Khi tìm thấy cột khí nóng, phi công sẽ điều khiển dù bay theo hình vòng tròn phía trong của biên dạng cột khí nóng. Những người điêu luyện sẽ giữ đường bay này sao có cho lực nâng tốt nhất, lượn giữa trời cả tiếng đồng hồ, thậm chí “chán thì xuống”. Dù lượn có thể bay xa cả trăm km. Kỷ lục thế giới hiện thuộc về viên phi công người Nam Phi tên là Nevil Hulett, ngày 14/12/2008 đã bay dù lượn trong 7 giờ 39 phút, vượt quãng đường 502,2 km…

Khắc phục xong sự cố xe sụp rãnh thì đã xế chiều, chúng tôi hối hả lên đỉnh Đồi Bu. Do thiếu người chỉ huy bay tại bãi đáp, anh Chung phải xuống núi, “bàn giao” tôi cho anh Long – một phi công kỳ cựu, từng là Đội trưởng đội dù đầu tiên của Cung Thiếu nhi Hà Nội thời những năm 80, và khi Hàng không nước nhà đào tạo dù, anh cũng là lớp trưởng Khóa 1.

Trên bãi cỏ thoai thoải ở đỉnh núi, mấy người đang lúi húi trải rộng những chiếc dù màu sắc sặc sỡ. Thêm một bất ngờ thú vị khi hai phi công chuẩn bị cất cánh là hai cô gái mảnh mai: Quỳnh Anh sinh năm 1982 và Thùy Dương sinh năm 1983.

Quỳnh Anh xuất phát trước, chạy thật nhanh xuống sườn núi và cánh dù căng phồng nhanh chóng nâng bổng cô bay là là ngọn cây rồi cao dần về phía những đám mây vàng rực ánh chiều. Giữa tiếng reo hò và vỗ tay tán thưởng, đến lượt Thùy Dương vào vị trí và cũng cất cánh ngoạn mục không kém.

Nhay du 176

2 nữ “phi công” Quỳnh Anh (trái) và Thùy Dương

Vừa chỉ huy bay qua bộ đàm, anh Long vừa tranh thủ “bổ sung kiến thức” giúp tôi: “Việt quan sát các động tác, tí nữa làm theo nhé. Các bạn này cũng mới bay nên vẫn phải có người hướng dẫn, đến khi đạt yêu cầu rồi thì có thể solo 100%” – anh chỉ chiếc dù đang lượn bên núi – “Như anh Ơn (Thiếu tá Đỗ Văn Ơn, giáo viên dù thuộc Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc) đang ridge soaring đấy”. Đây là cách bay dù cặp theo sườn núi, lợi dụng dòng di chuyển của không khí, chỉ thực hiện được đối với những phi công nhiều kinh nghiệm, trong điều kiện gió ổn định, thổi đều vào sườn núi chạy dài và gần như vuông góc với hướng gió. Bay cặp vách núi, phi công có thể đáp dù xuống ngay nơi vừa cất cánh (gọi là top landing), nhưng phải hết sức cẩn trọng vì dễ bị gió mạnh cuốn ra sau núi, rất nguy hiểm…

Sau khi các phi công lần lượt cất cánh hết, tôi chuẩn bị bay cùng anh Long. Anh hướng dẫn tôi cách trải dù, kiểm tra dây, thắt đai dù, đội cho tôi chiếc mũ bảo hiểm che kín cả đầu và cằm, dặn: “Khi anh hô, Việt chạy thật khỏe xuống sườn núi nhé! Cất cánh thuận nhất khi có gió thổi thẳng vào núi với vận tốc 3-4m/giây”.

Tôi háo hức vào vị trí và… đợi mãi chẳng thấy chút gió nào. Trời cứ như trêu ngươi, cả buổi gió đẹp, chiều lại lặng.

Ngó vẻ mặt thất vọng của tôi, anh Long bảo: “Im gió thế này khó lắm. Mời nhà báo cất cánh thử nhé, xác định 5 ăn 5 thua đấy… Chạy!!!”

Tôi lập tức lao lên và thấy ngay là “chẳng dễ như khi nhìn từ hàng ghế khán giả”. Sườn núi dốc đầy bụi rậm và những mô đất đá. Cây cỏ quấn vào chân làm tôi ngã nhào, lôi theo cả anh Long. Chiếc dù vừa bốc lên, thiếu gió xẹp một bên, kéo lê cả hai anh em một đoạn. Đau điếng mà không dám kêu, tôi gượng dậy, thở hồng hộc leo ngược lại “sân bay”, dùng cả chân lẫn tay mà vẫn ngã dúi dụi do vướng mớ dây dù…

Anh Long lại gỡ dây, trải dù chờ cơ hội khác, nhưng mãi đến nhá nhem mà gió vẫn “kiên quyết nghỉ chơi”, mấy anh em đành xuống núi.

Các phi công trẻ nhìn tôi cười thông cảm: “Bọn em khi mới tập cũng ngã suốt. Lần sau anh mặc đồ thể thao nhé, cho dễ vận động, rủi ngã cũng đỡ đau!”. Buổi nhập môn dù lượn trên Đồi Bu của tôi kết thúc với bộ cánh “văn phòng” lấm láp và nhiều vết xây xước bầm tím dọc một bên người.

Nguyễn Việt

Nhay du 132

Nguồn: websongdep.com

Bình luận