08/06/2017
15

Đi tìm giấc mơ bay

Chạy… chạy… chạy… Nghe tiếng hô, tôi cắm đầu, cắm cổ chạy. Nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Gió thốc ngược. Chân dẫm loạn xạ trên các bụi cỏ. Bỗng chốc, cảm giác một sức hút mạnh mẽ nào đó nhấc bổng cơ thể tôi lên cao, nhẹ bẫng. Chớp mắt, đã thấy dưới chân mình những ngọn thông ngả nghiêng, những mảnh ruộng xanh mê mải nhỏ như chiếc khăn tay, bờ biển Hải Tiến vẽ một đường cong gợi cảm phía xa. Và, nơi tôi vừa đứng cách đó ít giây, những bóng người reo hò. Một giọng nói quen thuộc cất lên

Lần đầu được bay

Núi Linh Trường thuộc Hoằng Hóa, Thanh Hóa cao 210m so với mực nước biển. Dãy núi còn hoang sơ này dài áng chừng 7km hướng về phía Đông Nam uốn lượn theo sông Lạch Trường và nằm ở cuối bãi biển Hải Tiến. Chiếc Ford Everest vượt con đường gập ghềnh đá đưa chúng tôi lên đến gần đỉnh núi. Đoạn đường còn lại phải xuống đi bộ. Mỗi người cõng một ba lô dù nặng áng chừng 20 kí. Hai bên đường đi hoa mua, hoa sim nở tím biếc.

Sáng nay khi xe tiến vào địa phận Thanh Hóa, trời lất phất mưa, tôi có chút lo lắng. Nghĩ bụng, đã lấy hết can đảm mới dám thử bay chuyến này mà mưa thì uống công quá, không biết bao giờ mới lại có cơ hội lần hai. Với môn dù lượn này, thời tiết, đặc biệt là gió vô cùng quan trọng. May sao, đến đầu giờ chiều, trời hửng nắng, dải giấy trắng buộc ở ngọn cây trên mép núi cho thấy gió là gió Đông, nhẹ. Gió lý tưởng để bay ở Linh Trường phải là gió Đông Nam và tốc độ vào khoảng 4m/s kia. Nhưng không sao, vẫn có thể bay được. “Bay dù lượn cũng như đi câu vậy. Khéo thì thời tiết không thật tốt vẫn có thể bay được”, anh Nguyễn Việt Hà, thành viên nhóm CLB Vietwings ví von thế.

Vậy là chúng tôi bắt đầu trải dù ra. Chưa bay được ngay vì phi công Hà còn phải “phổ biến kiến thức” cho đám “ăn theo” gồm 4 người chưa từng bay, trong đó có tôi. Bài học gồm có cách thắt đai dù, tư thế để tay, cách ngồi lên đai dù khi ở trên không, và cách đứng thẳng dậy trước khi hạ cánh. Vốn nhát độ cao lại tính nhanh quên, tôi xung phong thực hành. “Không quá khó” nhưng không hiểu sao hồi hộp thế. Tôi định bụng xung phong bay đầu tiên, không cho mình cơ hội “đảo ngũ”, đề phòng trường hợp đợi lâu lại cùn nhụt ý chí nhưng anh Hà nói tôi sẽ bay sau hai người, một là để tôi có dịp quan sát, hai là chuẩn bị tâm lý. Tôi đành  nghe lời.

Trước khi tham gia vào hành trình này, tôi đã có vài dịp nói chuyện với các phi công trong CLB Vietwings về dù lượn. Nhưng quả thật, “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử”. Những điều đã nghe trước đây bỗng chốc trở nên vô nghĩa bởi hiện thực quá đỗi ấn tượng. Những chiếc dù có những khoang khí được trải rộng trên sườn núi. Khi gió thổi làm căng các khoang khí, dù dựng thẳng đứng trên đầu, thêm vài thao tác chạy đà nó bay vút lên không trung và nhẹ nhàng chao liệng như một cánh chim thứ thiệt. Tôi thích thú ngắm từng chiếc dù có màu sắc rực rỡ lần lượt cất cánh. Trông chúng thật đẹp khi căng lộng và nổi bật trên nền trời. Chúng có thể nhởn nhơ khi bay trên biển hay bay cao gần mặt trời mà không sợ tan chảy như đôi cánh gắn bằng sáp của Icarus trong Thần thoại Hy Lạp.

Ban đầu tôi cứ ngỡ chơi môn dù lượn này chắc toàn những người trẻ như tôi nhưng hóa ra lại không phải vậy. Các phi công của Vietwings người trẻ nhất sinh năm 1975, người lớn tuổi nhất là chú Nguyễn Hữu Nam, thiếu một năm nữa là nghỉ hưu. Chuyến đi lần này, chú Nam đã chứng tỏ bản lĩnh bằng ba chuyến bay liên tiếp, những cú chao liệng đẹp mắt liên tục lọt vào ống kính anh phóng viên ảnh của tôi.

Trong đoàn còn có anh Đặng Thành Chung, giáo viên huấn luyện dù tìm kiếm cứu nạn đường không; anh Phạm Quang Tuấn từng 14 năm làm sĩ quan tác chiến không quân. Còn anh Việt Hà, là kiến trúc sư, người dáng dấp thư sinh nhưng là một phi công kinh nghiệm, một trong những thành viên đầu tiên của CLB Vietwings Hà Nội . Họ, mỗi người một ngành nghề, một công việc nhưng cùng có chung một niềm đam mê với bầu trời, với dù lượn.

Đến khoảng 5 giờ chiều, anh Hà trở lên núi sau khi đưa hai bạn đồng hành của tôi du ngoạn trên bầu trời. “Chuẩn bị nào, nhớ những gì anh dặn nhé”, anh Hà nói. Tôi bắt đầu lập cập ôn lại bài trong đầu. Một người trong đoàn giúp tôi thắt đai dù. Sau đó đai dù của tôi tiếp tục được gắn với đai của phi công. Rất chắc chắn! Gió không lớn, lại thêm tôi nhẹ cân nên anh Tuấn giúp kéo tôi chạy ra phía trước. “1… 2… 3 Chạy! chạy! chạy! Chỉ chờ có thế, tôi cắm đầu cắm cổ chạy”. Nhưng có một sự cố xảy ra. Một trong số dây dù bị mắc phải bụi cây khiến chúng tôi ngã lăn xuống dốc một đoạn ngắn. “Em ổn chứ?”, chắc anh Hà nghĩ tôi sợ. Nhưng chẳng hiểu sao tôi không thấy sợ, khí thế đã bốc ngùn ngụt trên đầu rồi. Tôi cười đáp lại.

Chuyến cất cánh lần hai bắt đầu tương tự. Chạy… chạy… chạy… Tôi co giò chạy. Nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Gió thốc ngược. Chân dẫm loạn xạ trên các bụi cỏ. Bỗng chốc, cảm giác một sức hút mạnh mẽ nào đó nhấc cơ thể tôi lên cao nhẹ bẫng. Chớp mắt, đã thấy dưới chân mình những ngọn thông ngả nghiêng, những mảnh ruộng xanh mê mải nhỏ như chiếc khăn tay, bờ biển Hải Tiến vẽ một đường cong gợi cảm phía xa. Và, nơi tôi vừa đứng cách đó ít giây, những bóng người reo hò. Một giọng nói quen thuộc cất lên từ bộ đàm: “Chúc mừng em đã bay”.

Không còn là giấc mơ

Tôi đã bay. Không kịp có cảm giác hẫng hụt như khi ngồi trên máy bay lúc cất cánh. Tôi nhớ có lần anh Tuấn chia sẻ cảm giác về lần đầu bay dù lượn bằng hai từ: “chấn động”. Tôi cũng vậy. Toàn cảnh thiên nhiên hiện ra trước mắt tôi, chưa bao giờ rõ rệt và rộng lớn đến như thế. Tôi nghe tiếng các bạn đồng hành của tôi reo hò. Gió tốt, chúng tôi có thể bay lâu hơn hai chuyến trước. Nghiêng sang một bên, chiếc dù khẽ khàng liệng bay sát theo vách núi rồi lượn lại. “Em có muốn bay qua ngọn núi mình vừa cất cánh không?”, anh Hà hỏi. Tôi đồng ý và nhanh chóng làm sao, tôi cảm thấy mình lướt qua trên đầu những người bạn của mình. Gió lồng lồng. Những hàng cây, những mảnh ruộng lạc và ngô có màu bàng bạc tôi nhìn thấy khi ở dưới núi thì bây giờ có màu xanh tươi miên man và đẹp mắt đến lạ kỳ.

Có thể hiểu vì sao từ xưa đến nay, con người vẫn khao khát được bay đến vậy. Nó giống như một sự giải phóng cơ thể khỏi mọi mối giàng buộc. Một cảm giác chao liệng tự do, có thể bay tới những nơi mình thích, có thể bay song song với chim đại bàng, chim ưng, thậm chí bay cao hơn cả chúng hoặc bay sát vách núi khám phá những loại cây kì lạ, ngắm những giò phong lan đẹp tuyệt mà có lẽ ở điều kiện bình thường con người chẳng thể nào đến gần được. Chú Nam có lần đã mạnh dạn tuyên bố: “Tôi sẽ bay đến khi nào già. Khi đó tôi sẽ mở trại dù lượn ở núi Viên Nam”. Còn anh Phạm Quang Tuấn thì miêu tả cảm giác bay của anh giống như “được xổ lồng. Đã trót một lần bay rồi thì không làm sao dừng khao khát bay được nữa”.

“Thư giãn nhé, em phải thả lỏng cơ thể, phải thật thoải mái mới có thể thưởng thức được cảnh đẹp”, anh Hà cắt ngang ý nghĩ của tôi. Tôi cố gắng hít thở thật sâu và phóng tầm mắt ra xa. Ngồi trên đai dù khi bay như thế này thoải mái, dễ chịu hơn tôi tưởng nhiều. Thể nào mà một chuyến bay của phi công dù lượn có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Thậm chí họ có thể thoải mái chụp ảnh, quay phim, hay vừa ăn trong lúc bay. Thật kỳ lạ. Tôi đã thốt lên khi lần đầu nhìn thấy những sợ dây dù mảnh chỉ như sợi dây chun buộc tóc nhưng mỗi dây chịu được những 80kg lận. Chiếc dù đôi mà anh Hà đang dùng để đưa tôi khám phá bầu trời này cũng lớn hơn những chiếc dù đơn. Nó có thể mang được trọng lượng đến 240kg. Nghe nói, tất cả dù lượn và hầu hết các thiết bị dùng cho môn thể thao này đều được mua từ nước ngoài. Anh Hà cho biết “thật ra chi phí để chơi được dù lượn chưa bằng chơi xe máy. Nhưng tiền không phải là vấn đề. Dù lượn rất kén người chơi. Nó thực sự cần những người đam mê, có thời gian và cả lòng dũng cảm nữa”.

Tiếng anh Tuấn cất lên từ bộ đàm cho biết gió tốt nên chuyến bay của tôi kéo dài được hơn so với các chuyến trước. “Em thật may mắn”, nghe anh Tuấn nói mà tôi… méo mặt chỉ vì tôi bắt đầu có cảm giác bị say độ cao. Bụng bắt đầu nôn nao, khó chịu. Anh Hà nói, nhiều người sẽ có cảm giác như vậy khi bay đôi, kể cả những người đã từng bay trước đó vài lần. Không biết có thật không hay anh muốn an ủi tôi chỉ biết sau đó việc tôi đòi hạ cánh sớm khiến tôi được ghi vào “kỷ lục” hành khách đầu tiên đòi hạ cánh khi mà đáng lẽ ra có thể bay trong thời gian dài hơn. Một kỷ lục không mấy gì làm tự hào. Nhưng tôi tự an ủi, dẫu sao, tôi cũng đã dám vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Ai trêu, tôi kệ…

Chúng tôi hạ cánh chính xác xuống giữa một thửa ruộng lạc. Bỏ mũ bảo hiểm, và cởi đai dù ra. Nhìn lên bầu trời tôi thấy chiếc dù màu vàng của chú Nam đang lần thứ ba trong buổi chiều nay bay lượn ngạo nghễ. Chiếc dù đôi của anh Hà được gấp lại cẩn thận cho vào ba lô. Anh tiếp tục trở lên đỉnh núi Linh Trường để làm “dù ôm” cho hành khách cuối cùng trong ngày.

Bóng chiều tà bắt đầu phủ xuống. Từ ngọn núi Linh Trường, chiếc dù màu xanh da trời của anh Chung lại bắt đầu bung ra và bay vút lên. Tiếp đó đến lượt anh Hà và vị khách cuối cùng của anh. Từ dưới nhìn lên, ba chiếc dù lượn màu xanh, màu cam, màu vàng như ba cánh diều đùa nhau trong ánh hoàng hôn. Thỉnh thoảng chúng bay khuất sau dãy núi rồi lại bất thình lình hiện ra thật đẹp mắt.

Nhìn ngắm mọi người đang vui vẻ vừa bay trên không vừa trò chuyện, lại nhớ cách đây mấy hôm nghe các anh nói về việc muốn mở rộng CLB. Tuy du nhập vào Việt Nam từ năm 1994 nhưng đến nay, tổng số người chơi của 4 CLB trên cả nước mới được vài chục người. Tham vọng của các CLB này là mở rộng cho nhiều người biết đến dù lượn, thu hút nhiều phi công tương lai, làm cho dù lượn trở thành một môn thể thao phổ biến hơn. Tôi chợt nghĩ, nếu một ngày kia, trên bầu trời này không chỉ có 3 chiếc dù mà là 10 chiếc, thậm chí nhiều hơn cùng chao lượn thì có lẽ cảnh tượng ấy sẽ tuyệt vời lắm. Khi đó, tôi muốn lại được bay một lần nữa và chắc chắn tôi sẽ làm tốt hơn lần đầu tiên.

Hà Trang – Ảnh: Hồ Quang (Bài viết đăng trên báo vtc.vn ngày 04/06/2011)

Bình luận