“10 phút sung sướng” thật sự xứng đáng với thời gian, công sức và những phiền phức (nếu có) bạn gặp phải! Nếu muốn bay, Mù Cang Chải mùa lúa chín thật sự là thời khắc dành cho bạn! (By Hotieugiang - 26⁄12⁄2017)
..
Dù lượn “Bay Trên Mùa Vàng” Mù Cang Chải – Yên Bái
(By Hotieugiang - 26/12/2017)
Buổi sáng hôm đấy, số thứ tự bay của mình cao, “dự” là cuối buổi sáng, đầu buổi chiều mới “bay” nên mình thong thả đến bãi hạ cánh trước để thăm quan.
Lễ hội năm diễn ra 3 ngày, thêm 1 ngày bay sớm là 4 ngày. Du khách sẽ chủ động đăng ký ngày bay của mình. Hôm mình bay là ngày thứ hai của lễ hội. Nghe nói hôm trước, trời hơi mù, nên không thuận lợi lắm, cảnh sắc không lên màu. Nhưng hôm đó, trời nắng chang chang, mới 8h mà nắng đã lên rát hết cả mặt. Nắng nóng thì hơi mệt nhưng nhưng bay dù thì phiêu lắm! Trời xanh, lúa vàng, gió đu đưa, cảnh vật rực rỡ tuyệt đẹp, ngắm thế nào cũng lung linh!
Bà con đứng xem đầy ở bãi hạ cánh. Từ già đến trẻ đứng nhìn chăm chú từng cánh dù đủ màu sắc chao liệng trên trời cao. Hai ba nhóm người đứng dưới 1 ô, nhiệt tình bình luận về những chiếc dù, những phi công, cách hạ cánh…
Bao năm trôi qua, người dân nơi đây đã quá quen với những cánh dù xuất hiện khi lúa chín vàng! Đây là cơ hội để họ giới thiệu nét văn hóa, sản vật với mọi người từ khắp nơi trên thế giới.
Lũ trẻ vô tư tắm mát bên con suối cạnh đó, vừa tắm vừa ngắm dù thật thú quá đi…
Xe chờ ở bãi hạ cánh lại chở phi công đã hạ cánh cùng dù của họ lên trên để tiếp tục quay vòng cho lượt bay tiếp theo!
….
Đèo Khau Phạ chỉ có 2 làn xe, vào dịp lễ hội, quanh khu vực bãi cất cánh, cảnh sát phải làm việc rất chăm chỉ để phân luồng giao thông. Con đường thường xuyên bị tắc, di chuyển chậm.
Nếu như tháng 10 Hà Giang vẫy gọi mùa Tam Giác Mạch thì Mù Cang Chải “thả thính” du khách bởi ruộng bậc thang mùa lúa chín trải dài khắp thung lũng.
Trên đường, mình gặp nhiều đoàn phượt thủ về với mùa vàng. Các đoàn xe chạy mải miết, mặc đồng phục theo nhóm, đi qua vẫy tay chào! Hi vọng, trong tương lại, mình có thể khám phá Mù Cang Chải theo hình thức này!
Mình còn thấy một tour phượt xe máy dành cho khách nước ngoài. Lead là một anh hướng dẫn viên vừa rắn rỏi vừa bắn tiếng anh như bão. Các anh Tây, chú Tây đi xe phân khối lớn hầm hố nhưng thân thiện, hào hứng chào dân địa phương, say mê với cảnh sắc nơi đây.
…
Các chuyến bay triển khai từ 8h – 17h hàng ngày. Bên cạnh những chuyến bay đôi là bay đơn – thánh địa để các phi công trổ tài, nâng cao level. Có khi cứ 30 giây lại có một phi công cất cánh nên nhiều khi bầu trời có gần chục cánh dù đủ sắc màu bay lượn.
Sự kiện còn kết hợp cuộc thi bay dù cosplay giữa các phi công. Đây là hoạt động nội bộ độc đáo, được du khách vô cùng yêu thích.
Những phi công gan dạ, yêu vùng trời nhưng cũng rất đáng yêu, cá tính hóa thân thành những nhân vật nổi tiếng “máu mặt” như ông già Nô-En,Thủy Thủ Mặt Trăng (thực ra là một Otaku chính hiệu, mình nghi ngờ đó là Thủy Thủ Sao Thủy – Ami vì Usagi Stukino có đồng phục màu xanh lam chứ không phải xanh dương. Hơn nữa nữ phi công cũng cắt tóc ngắn như Ami), Captain America, Siêu nhân, bộ tứ thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, Nàng tiên cá, Đại úy Yoo Shi Jin của Hậu Vệ Mặt Trời…
Thấy cánh dù cờ đỏ sao vàng nổi bật trên trời, bà con hò reo tưng bừng! Tiếng máy ảnh tanh tách liên tục để thu lại những khoẳng khắc đáng nhớ!
Ban tổ chức (BTC) dựng lều để mọi người nghỉ ngơi trong lúc chờ bay. Buổi trưa, BTC chu đáo chuẩn bị mỗi người một suất ăn.
Chỉ có người của BTC và các khách bay đôi mới có thể là vào khu vực cất cánh. BTC sử dụng bộ đàm để liên lạc và điều phối sự kiện.
Mình gần như không thể ngồi yên một chỗ chờ tới lượt mà nhí nhố lăng xăng khắp bãi cất cánh. Hết trò chuyện với phi công lại đến du khách, chụp ảnh lia lịa từ những cánh dù đến tam giác mạch! Có đôi lúc ngồi lặng ngắm dù cất cánh mà thấy hân hoan đến lạ!
Bay Dù Lượn và Nhảy Dù là MỘT?
Mình xin nói một chút về Bay Dù Lượn khác Nhảy Dù như thế nào? Bản thân mình trước khi tham gia sự kiện cũng hiểu nhầm, dùng sai từ lung tung. Sau đó, nói chuyện với các anh phi công, mình đã “ngộ” ra nhiều điều.
Dù lượn (Paragliding) là cách đơn giản nhất để con người có thể bay. Dù lượn không dùng động cơ. Dù sử dụng một cánh bay có thể căng phồng lên khi có gió và cất cánh bằng những bước chạy đà.
Dù lượn khác hoàn toàn dù lôi ở các bãi biển. Bạn chỉ có thể chơi dù lôi ở ngoài bãi biển. Bạn được gắn chặt vào vòm dù cải biến và được kéo lên bởi tàu ca nô cao tốc. Bạn không thể điều khiển được dù lôi.
Dù lượn là dù lượn, nhảy dù là nhảy dù, hãy quen với điều đó đi!
Nhảy dù là bạn phải nhảy ra khỏi máy bay, dù mở hoặc tự mở dù trong khi rơi tự do rồi tiếp đất. Còn dù lượn, bạn cất cánh bằng việc chạy đà với vòm dù đã hoàn toàn mở.
Do dù lượn không phải chịu lực giật đột ngột khi dù mở ở độ cao lớn với tốc độ rơi tự do nên dù lượn nhẹ hơn và có tính khí động tốt hơn. Dù lượn được thiết kế để bay lên chứ không phải để rơi xuống.
Thời gian bay dài nhất cho đến giờ là hơn 11 giờ và khoảng cách bay xa nhất là 300 km.
Phi công tận dụng luồng khí nóng và lực nâng tạo bởi dãy núi, trung bình có thể bay trong 3 giờ, ở độ cao 5.000 m và bay ở cự ly rất xa.
Dù lượn được 2 phi công người Pháp là Stephane và Didier du nhập vào Việt Nam từ năm 1994 ở Đà Lạt.
Khí nóng “nâng niu” cánh dù như thế nào?
Khi mặt trời lên cao đốt nóng mặt đất, có những vùng được đốt nóng hơn so với những nơi khác nên cùng một khoảng rừng hay một cánh đồng khô… nhiệt độ mỗi vùng sẽ khác. Không khí tại những nơi nóng hơn sẽ bốc lên cao thành những cột khí nóng. Những cơn gió đi qua, thổi ngang làm cột nóng … nghiêng.
Khi tìm thấy cột khí nóng, phi công sẽ điều khiển cho dù bay theo hình vòng tròn phía trong của biên dạng cột khí nóng và giữ đường bay này sao cho lực nâng tốt nhất. Phi công sử dụng máy báo độ leo và độ cao (vario meter) để nhận biết tốc độ leo của dù. Các thông số của máy sẽ giúp phi công bay trong những vùng có lực nâng tốt nhất.
Đôi khi ngay trong những cột khí nóng có những dòng không khí “nghịch ngợm” có thể làm dù mất cân bằng, chòng chành như con thuyền trên sóng lớn hay máy bay bay vào vùng nhiễu động, bạn không cần lo lắng.
…
Cất cánh
Không phải lần cất cánh nào cũng thuận lợi. Có những lần do không đón được đúng hướng gió hay chưa đảm bảo tốc độ chạy nên dù không bay được và phải cất cánh hai ba lượt.
Để chuyến bay thành công thì có một team hỗ trợ từ 6 đến 10 người tùy theo chiều dài của dù, đứng dang sẵn dù cho các phi công cất cánh. Theo mình quan sát, các phi công đều thay phiên nhau, hỗ trợ lẫn nhau, dang dù cho đồng đội bay.
Ngoài ra còn có bộ phận kiểm tra hướng gió, điều phối viên, sắp xếp các chuyến bay.
…
Đến lượt mình rồi!
Thời lượng một chuyến bay đôi là khoảng 10 phút. Do nhẹ cân, anh phi công nhờ một anh điều phối kéo mình chạy cất cánh. Nghe hiệu lệnh của anh phi công, mình chạy về hướng con suối rồi tự dưng cảm thấy chân không còn chạm đất nữa mà từ từ bay lên cao!
Thực tình là lần đầu làm chuyện ấy … bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác hồi hộp hay hơi hững. Nhưng thật kỳ lạ, mình không hề lo nghĩ hay sợ sệt, mọi thứ tự nhiên như vốn loài người có thể bay vậy!
Anh phi công nhắc, mình đặt lại tay cho thuận tiện và ngồi hẳn, ngả lưng ra sau! Thật thoải mái, như bạn ngồi trên một chiếc võng lơ lửng giữa trời xanh vậy! Lúc này, mình mới kéo dài gậy tự sướng ra và tạo dáng!
Mình chỉ chụp vài bức ảnh lúc đầu rồi chuyên tâm ngắm cảnh vật.
Đừng để chiếc camera làm phiền bạn, hãy cho đôi mắt và mọi giác quan của bạn cảm nhận! Thi thoảng có thể thay đổi góc quay để có nhiều góc hình, làm bạn đỡ mỏi tay cầm gậy.
Khi vòm dù trở thành đôi cánh của bạn, bạn ngay lập tức cảm nhận được sự tuyệt vời của không gian vũ trụ. Bây giờ khi đang ở trên trời, ai đó ở dưới đất, đang nhìn và chỉ về phía bạn, mong được như bạn cũng như bạn đã háo hức ở dưới và quan sát những cánh diều đầy kích thích trước đó!
Cả thung lũng vàng rực phía dưới không chỉ là màu vàng của thị giác mà còn mang đến niềm vui, sự no ấm, báo hiệu một mùa vụ bội thu nữa lại về! Từng đường bậc thang uốn lượn, mềm mại, quanhco ôm lấy triền núi. Lớp lớp tầng tầng lúa chín nhẹ đu đưa theo gió, như reo vui chào đón các du khách!
Bức tranh thiên nhiên trải dài như bất tận. Lấp lánh phía dưới ánh mắt trong veo của trẻ nhỏ hô vang khi thấy cánh dù lại gần. Từ trên cao, mình nhìn thấy một góc đèo Khau Phạ xanh biếc sừng sừng trấn giữ một vùng trời, từng đoàn xe cặm cụi vượt đèo! Xa xa rất nhiều cánh dù khác vẫn đang mơ màng lượn quanh chưa muốn xuống.
Anh phi công nói chuyện thêm với mình về các kiến thức dù lượn, những câu chuyện nhỏ về câu lạc bộ dù lượn. Trong suốt chuyến bay, bạn sẽ nghe thấy tiếng u…u… của máy báo độ cao.
Bạn nên mặc trang phục rực rỡ để lên hình cho đẹp, dù phông trời xanh hay lúa chín. Mình đã chuẩn bị áo cờ đỏ sao vàng như mọi khi nhưng đến khi bay lại phải đeo ba lô phía trước che hết sắc cờ nên mình cứ gặp ai là than thở mãi không thôi!
Bình thường, để chuẩn bị cho chuyến đi, ai cũng mang túi, balo nhỏ để đồ. Phần lớn, các phi công sẽ cho balo của bạn vào balo to của phi công thì bạn không cần đeo như mình! Nhưng lượt bay của mình, phi công đầy balo mất rồi nên mình phải đeo đằng trước! Hic!
Trời nắng, bạn nên đeo kính mát để tránh bị lóa mắt, không nhìn được hết cảnh vật. Tuy nhiên, màu kính có thể ảnh hưởng đến màu thiên nhiên, nên đôi lúc bạn có thể hạ kính để chứng kiến cảnh vật được ướp càng dưới nắng lộng lẫy đến nhường nào!
Hạ cánh, mình có chút luyến tiếc không được ở trên đó lâu hơn nữa!
Những đứa trẻ ở dưới vẫy tay chào các phi công. Mọi người ồ lên khi phi công hạ cánh đẹp mắt và cả khi không ngoạn mục. Ví dụ như cá biệt mình thấy có phi công hạ cánh ngã vào vũng nước!
Sau chuyến bay
Từ điểm hạ cánh tại bản Lìm Mông, Lìm Thái, bạn có thể thuê xe máy để đi tham quan Tú Lệ (5km từ bãi hạ cánh) hoặc Mù Căng Chải (40km từ bãi cất cánh).
Sau đó, mình đi xe ôm thăm quan thung lũng Tú Lệ hết 200k nhưng không đi được nhiều. Mình dự định sẽ thăm Mù Cang Chải – Tú Lệ trong chuyến đi phượt xe máy khác, sẽ chủ động hơn. Vì đi Tú Lệ thế này không thấy hết được cảnh đẹp nơi đây! Mình phát hiện là để ngắm ruộng bậc thang thì cần có khoảng cách hợp lý, nhìn gần quá, không thấy được hết sự hùng vĩ, uyển chuyển của từng bậc lúa!
Đi xe máy bạn có thể vào sâu hơn, rồi đi bộ lên triền núi ngắm cảnh. Nếu bạn muốn thuê xe máy thì giá là 100-150k/ ngày.
Tú Lệ đúng như tên gọi, rất là ĐẸP! Mùa lúa chín, đường đi Tú Lệ ngây ngất hương lúa níu chân du khách! Có lẽ bởi thế mà đặc sản của Tú Lệ là gạo nếp, xôi nếp, cốm … Bạn có thể mua cốm Tú Lệ về làm quà với giá từ 90-100k/ kg.
Ngoài ra, Tú Lệ còn được thiên nhiên ban tặng dòng suối nước nóng quanh năm – bản Chao nằm giữa trung tâm xã. Nếu có thời gian, bạn hãy đến thưởng thức!
…
Cũng ở vùng đất Tây Bắc này mình gặp rất nhiều bạn gái đam mê du lịch mạo hiểm. Bay dù đôi như mình có là gì. Các bạn ấy là phi công, bay dù đơn! Thân hình nhỏ nhắn, thậm chí còn cosplay trang phục nữ tính nhưng các bạn vẫn rắn rỏi chẳng kém đấng mày râu nào. Balo dù to, cồng kềnh là thế (mình chưa nhấc thử nên không biết nặng thế nào nhưng mình thì chắc không nhấc được rồi!) mà các bạn vác đi phăng phăng!
Giai đoạn cất cánh mất nhiều sức khi cần chạy đà hay sự bản lĩnh tỉnh táo trên không để điều khiển dù, các bạn đều hoàn thành ngoạn mục, khiến chị em nở mày nở mặt!
…
Bữa tối là buổi họp mặt, hội ngộ của BTC – các câu lạc bộ dù lượn cùng du khách. Những thành viên đến từ mọi miền đất nước, đa dạng về tuổi tác, nghề nghiệp, cách sống, quan điểm nhưng hội ngộ ở đây vì niềm đam mê với dù lượn và tình yêu với vùng đất Tây Bắc.
Không biết có đúng không nhưng theo mình thấy, những tổ chức tập hợp những con người cùng chung sở thích thì luôn tạo cảm giác hạnh phúc và tươi mới. Những thành viên như cùng một thế hệ, mỗi ngày lại một trẻ ra, yêu đời, nhiệt tình. Nhiều thành viên đưa gia đình cùng tham gia, có nhiều em nhỏ đi theo để ủng hộ bố mẹ.
Buổi tối là buổi giao lưu giữa người dân, Ủy Ban Nhân Dân huyện Mù Cang Chải và BTC, các phi công, du khách. Buổi biểu diễn có có tiết mục văn nghệ truyền thống của bà con Mù Cang Chải như hát, múa khèn … và tiết mục của BTC.
…
Năm 2017, lễ hội có khoảng 400 chuyến bay được thực hiện. Chuyến bay tốt nhất đạt 15.75 points triangle (11.24km) – do phi công người Pháp Jean-Jacques PRALUS thực hiện.
Hi vọng Lễ hội Bay Trên Mùa Vàng các năm tiếp theo sẽ thành công tốt đẹp!
Hãy thực hiện chuyến đi của mình và chia sẻ với Hồ Tiểu Giang bạn nhé!