23/11/2016
15

Chương 1: Phía dưới cầu vồng rực rỡ – Câu chuyện Dù lượn

Chương 1: Phía dưới Cầu Vồng rực rỡ – Câu chuyện Dù lượn (Dịch từ cuốn The Art of Paragliding Nguyễn Tuấn dịch, BT Giang hiệu đính

Chương 1: Phía dưới cầu vồng rực rỡ – Câu chuyện Dù lượn


Trên một sườn núi đầy ánh nắng mặt trời có một phi công dù lượn đang đứng đối mặt với những làn gió ấmphảng phất thổi lên từ dưới thấp. Sự im lặng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng kêu của một con chim ưng và tiếng ào àocủa gió trong rừng thông. Đó là một ngày huy hoàng.

Người phi công nâng cánh tay lên rồi phi nhẹ xuống dốc trong khi cánh dù mềm căng lên thành hình vòng cung và nhẹ nhàng đưa anh ta vào bầu trời. Một cú cua mềm mại sang bên trái, cánh dù từ từ bốc lên trong dòng khí nâng (updraft). Cánh dù cong hình lưỡi liềm làm khung cảnh chuyển biến, rồi tất cả sự hòa hợp tuyệt vời của sắc màu ngày càng tăng lên đó chợt biến mất trong ánh mặt trời rực rỡ. Cảnh ấn tượng này là chính là mộtchuyến bay [dù lượn] thuần khiết.

Chào mừng bạn đã đến với thế giới bay lượn. Phần lớn độc giả ở đây [đọc cuốn sách này] với mục đích là nhằm biến thành hiện thực giấc mơ suốt đời bay bổng trên không như như những cánh chim trời vượt qua các vùng thôn quê hoang sơ. Có lẽ bạn chỉ đơn giản là bị rung cảm bởi những hình ảnh đẹp của những cánh dù vòng cung hình cầu vồng bay theo đội hình lặng lẽ trên trời cao. Hoặc có thể bạn chỉ tò mò để tìm hiểu xem tại sao dù lượn – môn thể thao hàng không lại có thể khuấy lên niềm đam mê đến vậy.

Bất kể động lực của bạn là gì, chúng tôi hy vọng bạn sẽ tham gia vào cuộc hành trình từ chỗ là khán giả chưa có kinh nghiệm chuyển sang thành phi công dày dạn. Cuộc hành trình này sẽ rất thú vị, hấp dẫn và bổ ích. Ý tưởng của dù lượng chính là giúp bạn có thể sạc năng lượng cho bản thân mình. Thực tế có thể là bạn đã sẵn sàng cho chuyến đi này, nhưng trước hết hãy đặt nền móng để cuộc thám hiểm lên trời xanh của bạn được dễ dàng hơn thông qua những hiểu biết và kiến thức.

DÙ LƯỢN VÀ BẠN

Dù lượn trông có vẻ dễ dàng, và thực tế nó không đòi hỏi khắt khe về thể lực khi so sánh với các môn thể thao ngoài trời khác như leo núi, chèo thuyền kayak hoặc xe đạp địa hình. Những nỗ lực về thể chất cần thiết để chơi dù lượn là ít hơn và tỷ lệ nỗ lực bỏ ra để có niềm vui là cao hơn so với bất kỳ hoạt động nào khác bạn có thể làm ở tư thế thẳng đứng.

Mặt khác, dù lượn đòi hỏi phải nghiên cứu và thực hành đáng kể để phát triển khả năng đánh giá và phán đoán tốt, hiểu biết sự tinh tế của không khí và nắm vững các kỹ thuật điều khiển tuy nhỏ nhưng có thể sẽ làm lên một phi công xuất sắc. Quá trình học tập là niềm vui, và đó là tất cả những gì về cuốn sách này. Mặc dù dù lượn mang lại những hấp dẫn tuyệt vời, nhưng đâu đó bạn có thể vẫn còn những điều nghi ngờ về sự phù hợp của dù lượn đối với bản thân mình, hoặc là bạn có phù hợp với dù lượn hay không. Để giải quyết những mối nghi ngờ này, chúng ta sẽ trao đổi về những gì cần để bay một cánh dù.

Bất kể là cần những gì để bay

Để bắt đầu, trong giai đoạn huấn luyện, bạn phải leo đồi một chút (trừ khi bạn học bằng cách kéo tời). Việc học rất thú vị do đó bạn có lẽ sẽ không ngại giành thời gian hay nỗ lực cho việc huấn luyện, tuy nhiên bạn cũng cần phải có thể lực đủ tốt để leo lên leo xuống ngọn đồi một vài lần mỗi ngày – không quá cao, không quá nhanh nhưng mà phải leo lên được trên đó. Thực tế là có một số người lớn tuổi vẫn bay dù lượn được có nghĩa là trẻ khoẻ không nhất thiết phải là yêu cầu. Tất nhiên, nếu bạn có thể lực tuyệt vời thì đó là sự may mắn cho bạn, việc leo lên đồi sẽ dễ hơn và có thể  bay được nhiều chuyến hơn trong một ngày học.

Huấn luyện cho người khuyết tật.

Lưu ý: một số người khuyết tật đã học bay dù lượn và khám phá ra khả năng tự do bay lượn. Có một số cơ sở huấn luyện giúp người khuyết tật học bay bằng việc tổ chức sắp xếp đặc biệt để đưa họ lên đồi huấn luyện. Nếu bạn có nhu cầu đặc biệt thì nên tìm xem có trường huấn luyện nào đã sẵn sàng phục vụ cho những yêu cầu riêng của mình.

Một đặc tính hữu ích khác đối với người phi công tiềm năng là khả năng phán đoán không gian tốt. Điều này có nghĩa là bạn có thể ước lượng khoảng cách, chuyển động và định hướng trong khi di chuyển xung quanh trong không gian ba chiều. Hầu hết chúng ta có thể làm được điều này khá dễ dàng. Nếu bạn có thể lái xe hoặc đi xe đạp mà không hay bị va chạm, thì bạn có thể có khả năng phán đoán không gian hợp lý. Nếu bạn là một vận động viên thể thao, lái xe, cầu thủ bóng rổ hay tham gia vào bất kỳ hoạt động khác đòi hỏi phải vận động trong không gian ba chiều thì bạn có thể có thuận lợi hơn khi chơi môn dù lượn.

Chúng tôi nói đến khả năng phán đoán không gian bởi vì kinh nghiệm cho thấy là một số ít học viên mắc phải khiếm khuyết này, ví dụ như họ không có khả năng đánh giá là đang quay bao nhiêu (độ) và đâu là trên đâu là dưới. Khiếm khuyết như vậy có thể là một trở ngại lớn để học bay nhưng nó không loại trừ hoàn toàn việc bay lượn vì việc phán đoán không gian này có thể học được. Trong trường hợp này cần có huấn luyện viên quen thuộc với những vấn đề như vậy và dành thêm thời gian để giúp học viên phát triển các kỹ năng về không gian (xem Chương 9).

Các khía cạnh về tinh thần & trí tuệ

Những đặc tính hữu ích cuối cùng chủ yếu là về trí tuệ. Đó là: khả năng phán đoán tốt, mối quan tâm về an toàn của bản thân, khả năng ra quyết định hợp lý, thái độ tích cực và ý chí hay khát khao được bay. Phán đoán tốt có thể được dạy và là một phần của bất kỳ chương trình huấn luyện tốt nào. Có một cách để đánh giá khả năng phán đoán của bạn là hãy tự hỏi “Tôi có phải là người hay bị tai nạn không?” Nếu câu trả lời là có, bạn có thể muốn chơi môn bowling hoặc một số hoạt động nào đó khác mà sự phán đoán hoặc quyết định sai không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người trong chúng ta chơi thể thao hàng không như những “con nghiện” vì thích thú với sự gấp gáp, dồn dập và hứng khởi của việc bay lên cao cũng như là được chơi trong không gian 3 chiều. Tuy nhiên, để duy trì thành công trong môn chơi, chúng ta phải suy xét cẩn trọng để duy trì giới hạn an toàn. Người hay bị tai nạn rất có thể là do có sự đánh giá thấp về an toàn cho bản thân hoặc bất cẩn đã đặt họ vào rủi ro. Trong trường hợp này cần có thêm thời gian để phát triển kỹ năng phán đoán.

Một chút tự tin (nhưng không quá nhiều) là quan trọng cho việc học tập vì sau này bạn sẽ phải ra các quyết định mà hầu như sẽ định đoạt sự an toàn của bản thân mình. Lúc đầu, nhiều quyết định của bạn sẽ do huấn luyện viên làm hộ, nhưng dần dần bạn sẽ đảm nhận trách nhiệm đối với chuyến bay của chính mình. Nếu bạn đã có kỹ năng ra quyết định tốt thì là rất tốt. Nếu chưa, chúng sẽ được phát triển trong chương trình huấn luyện về khả năng phán đoán và kỹ năng bay.

Quá tự tin là một khiếm khuyết trong hàng không. Hãy nhớ rằng chỉ có những phi công già, hay những phi công dũng cảm nhưng không có phi công vừa già vừa dũng cảm.

Cuối cùng, một thái độ tích cực và cầu thị sẽ giúp bạn tiến bộ bởi vì khi hình dung ra phần thưởng của việc trở thành một phi công thì bạn có động lực để học tập một cách hiệu quả. Hãy nhớ rằng, trong tiềm thức những thái độ mà ta có thường làm ảnh hưởng đến kết quả những nỗ lực bản thân chúng ta. Nếu bạn thực sự muốn trở thành một phi công giỏi giàu kinh nghiệm thì bạn hoàn toàn có thể. Các phần thưởng mang lại từ những nỗ lực đã bỏ ra ở đây là không thể diễn tả được.

Sự sợ hãi và nguy hiểm

Dù lượn cũng như trượt tuyết, leo núi, lặn biển, bơi thuyền và các môn thể thao mạo hiểm khác không tránh khỏi có một số rủi ro. Trong dù lượn và các môn thể thao khác, chúng ta di chuyển tương đối so với mặt đất và do đó có thể va chạm với mặt đất một cách hết sức tệ hại. Tuy nhiên, bay dù lượn có thể coi là an toàn như bay bất kỳ máy bay nào, nó an toàn hơn so với lái xe hơi vì những lý do khác nhau. Chúng ta bay chậm hơn so với lái xe hơi và không phải lo lắng quá nhiều về các tài xế khác.

Bí quyết để bay an toàn cũng như mọi việc khác trong cuộc sống, là quản lý rủi ro. Trong quá trình huấn luyện, bạn sẽ học cách làm thế nào để phán đoán hoặc quyết định dựa trên nhiều năm kinh nghiệm của các phi công trên khắp thế giới. Sự trưởng thành, suy nghĩ và cẩn thận  của bạn trong việc lặp lại những phán đoán khôn ngoan sẽ giúp đảm bảo an toàn cho bạn trong khi bay.

Sợ hãi không phải là trạng thái cảm xúc gì khác thường trong dù lượn. Sợ độ cao hoặc trải nghiệm mới là tự nhiên và lành mạnh. Làm thế nào đối phó với nỗi sợ mới là điểm quan trọng. Làm chủ được sợ hãi là một phần thiết yếu để giữ cho ta bay an toàn trong những giới hạn của mình. Khi học dù lượn bạn sẽ bắt đầu trên mặt đất bằng phẳng và dần dần chuyển sang những chỗ cao hơn. Chuyến bay đơn đầu tiên của bạn tại đồi huấn luyện sẽ là một chuyến bay đầy cảm xúc bồng bềnh trên mặt đất. Nếu bạn học bay mà được bay đôi thì HLV của bạn chính là người chịu trách nhiệm lái dù. Trong cả hai trường hợp việc huấn luyện của bạn sẽ được chuẩn bị để giảm thiểu sự sợ hãi và làm tăng tối đa niềm vui.

Trong những chương sau, chúng ta sẽ thảo luận về vai trò của sợ hãi khi bay trong những tình huống khó khăn hơn. Còn bây giờ ta hãy chỉ đề cập đến một vài phi công bị sợ độ cao cấp tính, nhưng khi đã đeo bộ dù thì nỗi sợ biến mất. Thật tuyệt vời!
1-1a.jpg
Phần thưởng của khung cảnh tuyệt đẹp như phong cảnh ở Alaska này là một động lực để vượt qua nỗi sợ hãi

Bắt đầu học bay thôi

Học bay rất thú vị, nhưng cần phải được thực hiện với một chương trình huấn luyện an toàn. Cách tốt nhất để học bay là tham gia huấn luyện với huấn luyện viên có uy tín và kinh nghiệm. Những huấn luyện viên này thường làm việc ở các cơ sở huấn luyện có tiếng và thường có trong danh bạ điện thoại của các thành phố lớn. Nếu không thì có thể hỏi bất kỳ phi công nào mà bạn gặp để lấy tên và số điện thoại của huấn luyện viên hoặc cơ sở huấn luyện gần nhất, hoặc bạn có thể liên hệ với tổ chức quốc gia về dù lượn (xem phụ lục I) để có thông tin về các cơ sở huấn luyện ở trong địa bàn của mình.

Một cơ sở huấn luyện tốt thường chuẩn bị cho bạn bay bằng cách để bạn làm quen với dù lượn qua video, tranh ảnh hoặc cho bạn đi xem mọi người bay dù lượn thực tế tại điểm bay. Bạn có thể phải ký các điều khoản miễn trừ và cung cấp một số thông tin cá nhân cơ bản để huấn luyện viên có thể điều chỉnh chương trình huấn luyện cho thích hợp với nhu cầu của bạn. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu tập mặt đất và các bài học thực tế bắt đầu bằng bay đôi hoặc tiến hành từ việc tập trên mặt đất bằng rồi dần chuyển sang bay và kiểm soát cánh dù ở những độ cao khác nhau.

Khi tham gia huấn luyện, bạn sẽ được cấp các thiết bị (cánh dù, đai ngồi và mũ bảo hiểm) được thiết kế phù hợp với cỡ người và mức độ kỹ năng của mình. Hầu hết các cơ sở huấn luyện đều có thiết bị dùng cho mọi khổ người lớn nhỏ, cả nam và nữ. Nếu khổ người của bạn là khác thường (quá nhỏ hoặc quá to so với bình thường) thì cần phải chắc là cơ sở huấn luyện có thể cung cấp các thiết bị phù hợp trước khi qua vài buổi huấn luyện làm quen ban đầu.

Chú ý đặc biệt
Có những dịp bạn thấy có người rao bán dù đã qua sử dụng với giá rẻ. Hãy cẩn thận vì dù cũ không nhất thiết còn đủ an toàn để bay do dây dù đã bị co giãn hoặc do các lỗi thiết kế. Thường thì “một món hời” dễ trở thành vô ích hoặc nguy hiểm. Hãy cưỡng lại cám dỗ của việc tự học dù lượn hoặc học qua bạn bè. Rất nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng đã được phát hiện và khắc phục qua nhiền năm kinh nghiệm, và thật ngu ngốc khi học theo cách vất vả nhất bằng cách lặp lại chúng. Bất kỳ khoản tiền nào đã chi cho các khóa học sẽ giúp tiết kiệm không phải chi trả cho các hóa đơn chữa trị chấn thương và sửa chữa dù. Nếu bạn muốn mua thiết bị đã qua sử dụng thì cần nhờ các chuyên gia giàu kinh nghiệm kiểm định giúp.

Chi phí và thời gian cần thiết để bạn trở thành một phi công thành thạo phụ thuộc nhiều vào địa điểm và nền tảng bạn có. Thời tiết càng tốt và càng có nhiều thời gian dành cho các bài  học liên lục thì bạn càng tiến bộ nhanh. Một điều bạn có thể chắc chắn về dù lượn là ít tốn kém nhất để bay và đòi hỏi các thủ tục liên quan ít rắc rối nhất.
1-1b.jpg
Học bay dù là cách tuyệt vời để tận hưởng buổi chiều.

Các tổ chức của dù lượn 

Cho đến thời điểm này trong lịch sử phát triển, dù lượn được tổ chức tốt với câu lạc bộ ở các địa phương, các tổ chức ở cấp quốc gia và một tổ chức quốc tế. Những tổ chức này được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng cộng đồng bay lượn, phát triển điểm bay, gìn giữ duy trì việc bay tự do và tổ chức và bảo trợ các cuộc thi. Bạn có thể chọn tham gia vào các tổ chức này của dù lượn ở bất kỳ cấp độ nào mà bạn muốn.

Sức mạnh của các môn thể thao dù lượn ở bất kỳ nước nào chính là tổ chức cấp quốc gia. Ở hầu hết các nước, cơ quan này trực thuộc chính phủ quản lý, đưa ra các hướng dẫn về huấn luyện và an toàn cũng như đánh giá và phân cấp phi công. Các tổ chức trên thế giới (nói tiếng Anh) được liệt kê ở phụ lục 1.

Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn /Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã …

(Birds of a feather flock together … – mời ae chọn 1 câu ở đây thôi)

Nhiều khả năng là bạn cần phải tham gia tổ chức (dù lượn) quốc gia để có bảo hiểm dù lượn ngay từ giai đoạn ban đầu. Khi đã là thành viên bạn sẽ được nhận tài liệu, tạp chí và bắt đầu thăng tiến trong hệ thống xếp hạng. Tổ chức quốc gia cũng có thể giúp bạn liên lạc với câu lạc bộ ở địa phương. Tất nhiên một số nước hoặc vùng ở những quốc gia lớn có thể có nhiều hoạt động hơn so với các nước khác. Nếu bạn không tìm được tổ chức dù lượn của quốc gia, thì hãy thử tìm qua Internet – rất nhiều phi công đã kết nối được với nhau và biết về nhau ở các khu vực khác. Điều đó rất có lợi khi có thêm các cộng đồng bay lượn và bạn có thể giúp nhau cùng phát triển. Vì lý do đó, chúng tôi khuyến khích bạn tìm được những phi công trong khu vực của mình.

Mỗi quốc gia có những luật lệ quy định riêng cho dù lượn. Nói chung những quy định này ít khắt khe hơn so với máy bay. Ví dụ ở Mỹ, Cục hàng không liên bang (FAA) cho phép dù lượn được tự quản miễn là tổ chức quốc gia của dù lượn đảm bảo tuân thủ các chương trình liên quan đến an toàn có liên quan. Có những quy định, quy tắc về không phận cụ thể áp dụng cho tất cả các phi công và sẽ được thảo luận trong Chương 10.

Một phần quan trọng trong các yêu cầu của FAA là tiêu chuẩn an toàn cho cánh dù. Các tiêu chuẩn AFNOR ở Pháp và DHV ở Đức (được kết hợp lại thành tiêu chuẩn Châu Âu – CEN) đã phát triển các chương trình để kiểm định sự ổn định và độ bền của cánh dù. Những thử nghiệm được công nhận này giúp bảo đảm thiết bị bay của chúng ta là an toàn nhất có thể (xem chương 11).

CIVL là chữ viết tắt từ tiếng pháp của Ủy ban bay tự do quốc tế là tổ chức quốc tế của dù lượn. Cơ quan này họp hàng năm và giúp quản lý các giải thi đấu, các kỷ lục thế giới và một số các tiêu chuẩn an toàn. Như bạn thấy đó, dù lượn đã được xây dựng và tổ chức hoạt động tốt trên toàn thế giới, và quả thật, trên quy mô toàn thế giới thì dù lượn là một trong những cách phổ biến nhất để bay.

Chúng tôi đưa ra hai đường dẫn ở đây để các bạn tham khảo:
www.ushga.org/ (Hiệp hội diều và dù lượn Mỹ)
fai.org/hang_gliding (Liên đoàn hàng không quốc tế)

Từ quá khứ tới hiện tại

Có lẽ bạn không đơn độc trong giấc mơ bay. Qua những câu chuyện cổ tích và thần thoại, chúng ta biết rằng từ thủa hồng hoang, loài người đã ước muốn bay tự do trên bầu trời.Người nguyên thuỷ sống trong hang động có thể đã đứng trên một mỏm núi và ghen tị với chim đại bàng dang rộng đôi cánh và bay lượn trên những cánh rừng.

Chắc chắn là vào thời điểm chữ viết được phát minh đã giúp bảo tồn những ý tưởng qua các thời đại, trong đó có các câu chuyện về việc bay lượn. Huyền thoại về các vị thần có cánh như Mecury (đi giầy có cánh), Hermes và Valkyries (cưỡi ngựa có cánh) cũng như những loài chim tuyệt đẹp như Phượng hoàng Ai Cập, chim Huma ở xứ Ba Tư, chim thần Garuda (Kim Sí Điểu) ở Ấn Độ hay chim thần khổng lồ của chàng thủy thủ Sinbad, tất cả đều thể hiện ham muốn của nhân loại đối với thú vui riêng biệt đó là bay lượn. Các câu chuyện về việc con người bay lên trời cao đã có từ lâu rồi. Những thảm bay tưởng tượng ở Trung Đông có thể đã lấy cảm hứng từ những giấc mơ bay bổng, nhưng nhữngchuyện về những cánh diều mang theo người ở Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản là đều có cơ sở thực tế.

Thời hiện đại

Chúng ta đều có thể đã nghe những câu chuyện về Icarus và cha mình là Daedalus cũng như những gì sau này viết về các thí nghiệm của Leonardo Da Vinci và nhiều người khác về người chim. Nhưng người anh hùng thực sự của ngành hàng không nhân loại lại là Otto Lilienthal người đã phát triển cánh bay mô phỏng cánh dơi ở Đức vào những năm 1880.

Otto Lilienthal đã bay hơn 1000 chuyến từ ngọn đồi tự tạo giống như bay diều lượn hiện đại. Ông đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thí nghiệm khác bao gồm cả anh em nhà Wright, người đã phát triển và thử nghiệm máy bay vài thập kỷ sau đó. Sau đó thì chiến tranh với tiếng gầm rú của động cơ đã thế chỗ.

Lần đầu tiên người ta sử dụng một thiết bị có kết cấu kiểu vòm dù được sử dụng cho mục đích khác hơn là để đổ bộ là ở trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Hải quân tuyển chọn một nhóm thủy thủ dũng cảm để kéo lên không bằng một chiếc dù kéo sau tàu ngầm để quan sát xem có thể thấy được những gì. Các thủy thủ cho biết vô cùng thích thú trừ những trường hợp gặp nguy hiểm ở gần và tàu ngầm phải lặn xuống trước khi kéo người quan sát về tàu. Chắc chắn là các yếu tố sợ hãi đã bị áp chế.

Hình 1.1: Vòm dù thời xưa

1-1.jpg

Kinh nghiệm ban đầu này rất quan trọng, vì nó cho thấy là một chiếc dù có thể bay được như máy bay, cho dù là dùng vòm dù tròn với ít tính năng. Sau đại chiến thế giới I, đã có những tiến bộ trong việc kéo tời trên mặt đất ở Đức và Hà Lan. Thế chiến II đã chấm dứt niềm vui đó, nhưng sau chiến tranh tàn phá thì có hơn 1000 căn cứ không quân bị bỏ hoang khắp Châu Âu và Mỹ. Chúng trở thành địa điểm lý tưởng để tăng cường hoạt động kéo dù.

Tuy mọi việc không thể nào diễn ra như ý được, tuy nhiên, dù tròn đã đem sử dụng (xem hình 1-1) cần rất nhiều lực kéo để  tạo độ nâng cần thiết. Hơn nữa nó không dễ điều khiển. Việc hạ cánh sau khi ngắt khỏi dây kéo là rất khó đoán trước được.

Tiếp đến là dù đổ bộ (Paracommander – dù dùng cho lính đổ bộ). Đây là một kiểu dù mới có hình thuôn dài hơn (xem hình 1-1) và được thiết kế với các khoang dù được cắt thành ô trống, múi dù dài hơn và có các lỗ thoát khí để đẩy cánh dù tiến về phía trước nhằm làm tăng lực nâng và cho phép lái dù tốt hơn. Loại dù này được phát triển bởi công ty Pioneer Parachute Corporation vào cuối những năm 1950 và được cải biến dùng cho  nhảy dù thể thao và kéo tời. Dù đổ bộ có thể lượn xa khoảng 2,5 bộ/0.76 m cho mỗi bộ/0.3 m rơi (tỉ lệ lượn là 2.5) khác hẳn với việc rơi gần như thẳng đứng của vòm dù thông thường.

Dù đổ bộ cho phép kéo an toàn hơn do tốc độ kéo và lực kéo cần thiết thấp hơn. Du khách sớm tìm ra cách mới để tiêu những đồng đô la Mỹ hoặc đồng bảng Anh bằng cách dạo chơi tít trên cao trên bãi biển ở các kinh đô giải trí của thế giới dưới vòm dù đổ bộ êm ái.

1-2.jpg
Hình 1-2: Dù vuông

Bước tiến tiếp theo được tạo ra bởi Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA). Họ thử nghiệm các thiết bị thu hồi tên lửa đã dẫn đến việc có các thiết kế dù có điều khiển khác nhau trong đó có cánh bay Rogallo mà sau đó phát triển thành diều lượn (hang glider) và các loại dù hai lớp kín khí/khí động học (ram air), cũng dẫn đến có những cải tiến mạnh mẽ trong dù thể thao và sau đó được phát triển thành dù lượn (xem hình 1-2).  Francis Rogallo được ghi công cho những phát triển sáng tạo của mình về cả diều lượn và dù lượn sơ khai lúc ban đầu.

1-2b.jpg
Greg Yarbenet bay một mẫu dù lượn sơ khởi năm 1974

Sau đó dù kéo khí động học trở thành niềm đam mê của một nhóm và họ đã lập ra Hiệp hội nhảy dù Anh (BAPC – the British Association of Parascending) vào đầu những năm 1970. Một cách tự nhiên, họ gọi môn dù thể thao của mình là dù bay (parascending) bởi vì dù được kéo lên cao và lơ lửng ở trên không. Tuy nhiên, với tinh thần thi đấu sớm xuất hiện và các hành khách trở thành phi công bằng cách ngắt khỏi dây tời kéo và trôi dạt trở lại mặt đất để kiểm tra các kỹ năng hạ cánh chính xác của mình.

Vấn đề với những dù khí động học hoặc  “dù vuông” hoặc “dù kết cấu có dạng tiết diện cánh” (airfoil, aerofoil) như chúng ta đã biết là có tốc độ tương đối nhanh và không tha cho những ai có kỹ thuật hạ cánh kém với bằng chứng là đã có hàng loạt chấn thương mắt cá chân. Nhiện vụ tiếp theo được đề ra là phải tìm kiếm các thiết kế cho dù có tính năng tốt hơn và đặc tính êm ái và dễ chịu hơn.

Dù lượn trở thành hiện thưc

Greg Yarbenet, một người nhảy dù có kinh nghiệm ở Erie, Pennsylvania (Mỹ) đã cất cánh với một chiếc dù được cải tiến bằng cách chạy từ một sườn dốc và cả bằng tời kéo vào năm 1968. Vòm dù mà Greg sử dụng rất giống những cánh dù lượn của thời giữa thập kỷ 80. Những bức ảnh của Greg về những trải nghiệm này có ghi ngày tháng ở bên lề đã không nghi ngờ gì nữa chứng minh ông là thủy tổ của môn dù lượn. Có thể có những người khác cũng đã có những cố gắng tương tự trong thời kỳ này, nhưng sự phát triển đột biến trong môn diều lượn vào đầu những năm 70 đã khiến mọi người không còn quan tâm nhiều đến dù nữa. Tuy nhiên công cuộc đẩy mạnh và nâng cao tính năng của diều lượn đã làm chúng trở nên quá nặng nề để có thể vác lên núi trên lưng các phi công vào cuối những năm 70. Dù bắt đầu trở nên là lựa chọn tốt hơn.

Vào năm 1978, những người nhảy dù của Pháp gồm Jean-Claude Bétemps, André Bohn và Gérard Bosson đã cải tiến kỹ thuật chạy và cất cánh từ đồi dốc ở Mieussy, Pháp. Cách bay này sớm thu hút sự chú ý của mọi người và Mieussy trở thành thánh địa Mecca đầu tiên của dù lượn. Không lâu trước khi trượt tuyết, leo núi trở nên phổ biến thì bầu trời trong vắt của dãy Alps được trang trí bởi những cánh dù hình cầu vồng tươi đẹp.

Khi những tin tức về xu hướng mới trong môn nhảy dù đến được nước Anh, hai nhà sản xuất dù vuông là John Harbot và Andrew Crowley rất tò mò. Họ sớm nhận ra rằng vật liệu kín khí hơn và vòm dù lớn hơn sẽ tăng tính năng của cánh dù. Thử nghiệm đầu tiên này đã dẫn đến việc John Harbot trở thành một trong những phi công thử nghiệm, nhà sản xuất, và huấn luyện viên dù lượn đầu tiên. Một nhà sản xuất đầu tiên khác nữa là Laurent Kalbermatten, người Pháp, đã thành lập công ty Ailes de K.

1-2c.jpg

Chuyến bay đầu tiên của HLV Bruce Hamler năm 1998 ở Anchorage, Alaska

Từ những tóm tắt nói trên về quá trình triển của dù lượn, bạn có thể thấy rằng sự phát triển của dù lượn là một quá trình hết sức chậm chạp. Cũng như hầu hết các hoạt động hàng không khác, dù lượn cần sự kết hợp của thiên tài và những kẻ mơ mộng cùng nhau nỗ lực đưa ra các ý tưởng và kinh nghiệm nhằm đưa môn thể thao dù lượn có được như ngày hôm nay. Đã có những cải tiến về thiết kế tiến triển nhanh chóng trong giai đoạn dù lượn bắt đầu phát triển, nhưng sau đó thì chậm lại do dần đạt đến những giới hạn về vật liệu và các quy luật của tự nhiên. Tương tự như vậy các kỹ thuật lái dù và huấn luyện chỉ được cải thiện đáng kể cho đến khi có được sự phát triển về các phương pháp quy chuẩn rất tốt. Ý định của chúng tôi là truyền lại những phương pháp này cho các bạn với sự lưu ý là mặc dù những tiến bộ trong dù lượn đã bị chậm bước đi khá nhiều, nhưng vẫn tiếp tục có thêm các đổi mới về thiết kế và kỹ thuật. Tuy nhiên, với một nền tảng tốt về những nguyên tắc hàng không cơ bản bạn sẽ được chuẩn bị để có những chuyến bay vào kỷ nguyên tiếp theo.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BAY?

Bây giờ bạn đã có một chút kiến thức cơ bản về dù lượn, nhưng có thể bạn vẫn còn tự hỏi về những thực tiễn của việc bay dù lượn trên thực tế. Làm thế nào để cất cánh? Làm thế nào lơ lửng ở trên cao? Phi công có phải vất vả lắm không? Những mô tả sau đây sẽ trả lời phần lớn các câu hỏi đó.
Sau khi kiểm tra điểm cất cánh và hạ cánh về điều kiện gió thích hợp và các khu vực trống an toàn,  người phi công dù lượn trải cánh dù ra trên bãi cất cánh. Cánh dù được trải ra, dây dù được kiểm tra để tránh bị rối và đai ngồi được móc vào dây dù. Khi tất cả đã sẵn sàng, người phi công bắt đầu chạy xuống dốc. Cánh dù căng hình vòng cung về phía trước và phồng lên. Thêm vài bước nữa, người phi công bay vào không trung. Đời là một cơn gió thoảng.

Một khi đã ở trong không trung, người phi công thư giãn, ngồi lui vào trong đai ngồi và lái cánh dù bằng cách kéo dây điều khiển ở mỗi bên đai ngồi. Cánh dù duy trì hình dạng của nó hoặc căng phồng lên do có lực tác động của áp suất không khí. Nó bị tác động bởi lực hấp dẫn, do đó nó luôn luôn đi xuống so với không khí. Tuy nhiên, nếu không khí bốc lên đủ nhanh thì cánh dù cũng có thể bốc lên theo. Bằng cách lướt trên các dòng khí nâng mà người phi công có thể lơ lửng ở trên cao trong nhiều giờ và có thể tìm cách để bay đường dài. Đã có những chuyến bay đạt đến cự ly trên 320 km. Dòng khí nâng tạo ra từ những cơn gió bị đổi hướng lên trên khi gặp sườn núi hoặc do các dòng khí nóng là những loại lực nâng thông dụng mà các phi công sử dụng để bay các cánh dù tĩnh lặng không động cơ.

Khi cánh dù lướt ở gần mặt đất, thì đó là thời điểm để hạ cánh. Người phi công sử dụng dây lái để lập tuyến hạ cánh để kiểm soát vị trí và độ cao sao cho phù hợp với vùng hạ cánh đã định. Ngay trước khi chạm đất, người phi công kéo sâu cả hai dây lái để dừng vận tốc tiến của cánh dù, làm chậm tốc độ rơi và bước trên mặt đất nhẹ nhàng. Cánh dù sau đó được thu lại và mang ra khỏi bãi hạ cánh trong khi người phi công nhoẻn miệng cười hạnh phúc.

Hãy tưởng tượng bạn chính là người phi công dù lượn ở  đoạn mở đầu của chương này.

Bạn không còn nghĩ đến những điều trần tục của trái đất này nữa mà là đang bay xa và rộng trên trời cao bằng đôi cánh của chính mình. Bạn cảm thấy luồng gió phả vào người và lực nâng bốc mạnh lên. Khi leo cao hơn, chân trời dần lùi xa và bạn thề rằng mình có thể nhìn thấy tận cùng của trái đất. Bạn nhận ra người anh em, những chú chim diều hâu, và bay nhẹ nhàng đến để chào đón chúng. Chúng nhìn bạn một cách thận trọng nhưng đã sẵn sàng để bay cùng bạn trong những vòng lượn hân hoan. Trong thâm tâm bạn biết rằng mình đã tìm được chỗ cho bản thân và bạn đang thực sự được vui sống.

Đây không phải là một câu chuyện tưởng tượng chút nào, bởi vì hầu hết các phi công dù lượn đều đã có những trải nghiệm tương tự. Bạn cũng sẽ như vậy khi đã tiến trên con đường làm chủ cách bay đơn giản nhất của nhân loại, đó là dù lượn.

1-2d.jpg

Một phi công đang bay tự do trên bầu trời vùng Alp ở Pháp

Nguồn: http://hanoiparagliding.com/chuong-1-phia-duoi-cau-vong-ruc-ro-cau-chuyen-du-luon/

Bình luận