20/03/2017
15

TAI NẠN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Theo Judith Mole,27⁄12⁄2013, dịch bởi Trần Tú Thi VWHN http:⁄⁄www.theparaglider.com⁄accidents%E2%80%A6-and-how-to-avoid-them-95

Judith Mole bắt đầu bay diều lượn vào năm 1996 và trở thành phi công dù lượn từ năm 2003. Cô được biết đến như  là phát thanh viên của kênh Paragliding Podcasts. Thành tích đáng tự hào nhất của cô là đứng đầu hạng EN-B của mùa giải UK XC năm 2010.

Cô bị gãy lưng trong một tai nạn dù lượn vào tháng 3 năm 2013. Tai nạn này hoàn toàn do lỗi của cô và nguyên nhân là vì cô quá tự tin, tự mãn và muốn gây ấn tượng với bạn trai mới. Thật dễ hiểu là cô đã phải suy nghĩ lại để làm sao trở thành một phi công an toàn hơn. Qua bài viết này cô chia sẻ một số nhận thức và lời khuyên của mình. Những gì bạn đọc được trong bài không phải là mới mẻ cũng như thay đổi lớn lao gì, nhưng có thể là sự nhắc nhở đúng lúc đối với những điều thường hay bị bỏ qua. Hy vọng đọc xong bài này bạn sẽ được an toàn hơn một chút.

Có hai cách để tránh tai nạn. 1) Đừng bay, 2) Nếu bạn bay, đừng đâm vào cái gì. Rất đơn giản phải không? Do đa số chúng ta đều muốn bay, nên có một số cách để giảm thiểu khả năng va chạm vào cái gì đó – có thể là mặt đất, một người khác hoặc một vật gì khác. Nếu chúng ta công nhận rằng các cánh dù thời nay là an toàn – thực tế là vậy, và chúng ta bay trong những điều kiện suôn sẻ – thì sự khác biệt sẽ là ở những hành động của cái thứ lủng lẳng bên dưới cánh dù.

Nếu bạn muốn trở thành một phi công an toàn hơn thì điều trước tiên phải làm là tự đánh giá bản thân. Dưới đấy là một số điều cần suy nghĩ:

Trang thiết bị của bạn

Ngoài các trang thiết bị không dùng để bay mà hoàn toàn không hợp với bạn (như là phi công tập sự bay bằng dù thi đấu), bạn nên bỏ ít thời gian xem xét các trang thiết bị của mình và cân nhắc xem mình có thể làm gì để cải thiện chúng.  Ví dụ thanh tăng tốc (speed bar) của bạn có đang lắp ở vị trí mà bạn có thể bị vướng chân khi cất cánh hoặc hạ cánh không? Nếu có, hãy mua một hệ thống khác, hoặc buộc thêm vài cái chun để nó có thể thụt vào và không vướng vào chân bạn. Đai bay của bạn có được lắp đặt để có thể chui, ra chui vào dễ dàng ko? Tương tự như vậy, găng tay của bạn có hay bị vướng vào nhóm dây điều khiên khi sử dụng các dây A và C khi cất cánh không? Giày của bạn có trơn trượt không? Găng tay và giày mới không đáng bao nhiêu tiền – vậy có đáng để bị nguy cơ bị kéo lê không?

Khi chuẩn bị trang thiết bị của mình, cần nghiêm túc đặt ra một quy trình và phải tuân thủ quy trình này một cách chặt chẽ. Ở diều lượn việc này dễ hơn chủ yếu bởi vì nếu không tuân thủ các bước theo đúng trình tự thì bạn sẽ không thể lắp đúng và việc kiểm tra trước chuyến bay sẽ đảm bảo tất các các chỗ lắp nối phải chính xác. Đối với dù lượn, rất dễ bị sai sót khi vội vã lắp nối cánh dù và đai dù và bạn có cũng thể thường xuyên quên những lỗi nhỏ - như để dây phanh quấn vào giữa các nhóm dây hoặc vòng quanh nhóm dây điều khiển. Một cái buông tay khỏi dây phanh và lần tìm sẽ khắc phục được điều này, nhưng liệu có tốt không khi bạn bỏ dây phanh và loay hoay gỡ ngay sau khi cất cánh?

Bạn sẽ anh toàn nhất khi bạn tuân thủ một quy trình và khi đó bạn sẽ biết mọi thứ đang ở đúng chỗ và sẵn sàng trước khi cất cánh. Không có gì sai khi sử dụng các cách nhắc nhở - ví dụ như dính một vài băng đỏ vào cock-pit (túi đựng thiết bị bay) để tự nhắc mình xem đã cài đai đùi chưa.

Nói đến trang thiết bị… đừng làm mọi việc phức tạp hơn. Thêm các đế gắn camera hoặc gậy gắn camera kéo dài có thể tạo ra các đoạn phim hoành tráng để khoe bạn bè, nhưng nó sẽ bớt hoành tráng khi nó ghi lại những hình ảnh tai nạn của bạn. Bất kỳ vật dụng bổ sung nào mà có thể vướng vào dây, làm bạn ngã hoặc hạn chế tầm nhìn của bạn đều là những quả bom hẹn giờ đang đếm ngược…

Kiến thức của bạn

Rất nhiều tai nạn ở Anh là do sự thay đổi điều kiện – thường là gió mạnh lên hoặc đổi hướng. Do dù lượn đã được cải thiện tính năng trong những năm gần đây, việc bay trong thời tiết gió mạnh hơn là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nó vẫn có những giới hạn trần – cụ thể là các loại dù lượn cấp thấp. Khi mà cố cất cánh với tốc độ gió 36km/h, giống như mọi người khác đang bay, có hợp lý không khi sử dụng cánh dù DHV-1? Hoàn toànkhông.

Do đó việc đánh giá kiến thức của bạn ở giai đoạn này là rất có lợi. Kiến thức của bạn giỏi đến đâu? Bạn có thể nhận ra phông nóng (hot front) đang tiến tới – không phải trên biểu đồ hay dự báo thời tiết, mà trên đồi, khi mà thực tế nó đang xảy ra? Bạn có biết điều gì sẽ xảy ra đối với điều kiện bay khi nó tới và thời gian để các điều kiện thay đổi là thế nào? Không chắc chắn? Tốt nhất là nên nói chuyện với ai đó hoặc là lấy sách khí tượng ra khỏi giá sách.

Kiến thức của bạn đối với cánh dù của mình là bao nhiêu và cách nó hoạt động thế nào? Ví dụ điểm xoay và điểm thất tốc? Tốc độ mặc định của cánh dù của bạn là bao nhiêu? Suy nghĩ về những gì bạn biết và (quan trọng hơn) là những gì bạn chưa biết sẽ giúp bạn quyết định những lỗ hổng kiến thức nào cần phải lấp.

Kỹ năng của bạn

Mấu chốt để trở thành một phi công giỏi hơn là phải mong muốn giỏi hơn – vào mọi lúc. Nếu bạn quan sát các phi công hàng đầu bạn có thể thấy họ rất giỏi điều khiển dưới đất, bắt thermal, đánh giá khi nào cất cánh và khi nào thì quay lưng, v.v… Họ không phải bẩm sinh đã có những kỹ năng đó … họ đã bỏ thời gian. Đặt mục tiêu là một trong những cách để kiểm tra kỹ năng hiện tại của bạn. Nghĩ xem là bạn muốn ở đâu vào thời điểm cuối của giai đoạn mục tiêu, trong 1 năm, trong 5 năm. Chi tiết hóa những kỹ năng cần có để đạt tới mục tiêu đó và nghĩ xem bạn phải làm gì để đạt được điều đó. Rất đơn giản. Sau đó hay tự viết cho mình một danh sách các kỹ năng bạn cần thực hành và dán nó vào cock-pit và cố gắng tập một kỹ năng mỗi khi bạn đi bay. Oh, và đăng ký khóa học SIV.

Thái độ của bạn

Yếu tố quan trọng nhất để bay lâu an toàn là thái độ của bạn. Hãy nhìn quanh và đánh giá xem phi công nào là giỏi theo suy nghĩ của bạn … ai là người bạn mong muốn noi theo? Say mê theo cách cắm đầu vào tường bay trong mọi tình huống dở hơi để thể hiện hay bay một cách lặng lẽ an toàn một cách có ý thức, có thể chọn những ngày tốt và không lo nghĩ? Có nhiều người trong mọi câu lạc bộ mà tai nạn luôn rình rập để xảy ra và chúng ta đều biết họ là ai. Họ thường có các “phẩm chất” sau:

  • nghĩ là họ biết tất cả
  • bay trong những điều kiện hoàn toàn không phù hợp, thoát nạn và tự hào là mình rất giỏi
  • không có ý học hỏi/ lắng nghe
  • các tai nạn hoặc nguy cơ tai nạn không bao giờ là lỗi của họ.

Một thái độ an toàn không phải chỉ là thực hiện các chuyến bay “buồn tẻ”. Nó còn là quan sát, lắng nghe và học hỏi mọi lúc. Cố gắng cải thiện các kỹ năng và kiến thức và cố gắng vượt ra khỏi vỏ bọc của mình khi bạn đã sẵn sàng, có nghĩa là khi các kỹ năng và kiến thức của bạn cho phép bạn bay trong một trạng thái an toàn.

Bạn đang ở đâu?

Dù lượn không nhất thiết phải là một môn thể thao mạo hiểm, trừ khi bạn khiến nó trở nên như vậy! Cách tốt nhất để được an toàn là tập, tập và tập. Giống như các người chơi thể thao khác, bạn cần tập luyện để nâng cao. Nếu bạn bay nhiều, các kỹ năng điều khiển dù của bạn sẽ được nâng cao, bộ nhớ của cơ thể sẽ tăng lên và bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ở trên không. Tất cả những đều này đều có ích cho việc tránh các tai nạn.

Học hỏi từ những lần suýt tai nạn

Mỗi người đều có những lần suýt tai nạn. Vụ này nghiêm trọng hơn vụ kia. Cốt lõi là phải đón nhận nó như một dấu hiệu tích cực giúp bạn đánh giá những lỗ hổng kiến thức, kỹ năng hoặc sự tập trung. Nếu một lần suýt tai nạn là do việc kiểm tra trước khi bay, cẩu thả hoặc do thiết bị hỏng, quay lại đoạn đầu của bài viết này. Nếu là do bay quá sát với nhau, hạ cánh sai chỗ, hạ cánh xấu, v.v… thì cũng đừng quên nó hay bỏ qua nó. Hãy nghĩ tới nguyên nhân và làm một cái gì đó với nó!

Hạ cánh sai chỗ là một ví dụ cổ điển… nó không phải là tai nạn, nhưng nó là dấu hiệu chỉ ra rằng có gì đấy sai. Đưa ra các lý do như “Tôi không thể hạ cánh” hay “Gió mạnh hơn tôi nghĩ” cho thấy bạn không biết cách đánh giá gió hoặc thực hiện tiếp cận hạ cánh hiệu quả (do đó bạn có thể cần tìm manh mối/xem lại GPS/ học thêm các kỹ năng giảm độ cao). Hãy coi các vấn đề này như là một kinh nghiệm được học và cuối cùng nó sẽ mang lại lợi ích cho bạn.

Phân tích các tai nạn – Không phải lỗi của bạn? Cho chúng tôi xin!

Bạn có một tai nạn nhỏ hoặc nghiêm trọng. Giờ bạn cần phân tích xem việc gì đã xảy ra để nó không xảy ra với bạn lần nữa nếu không lần tới nó sẽ nghiêm trọng hơn. Thông kê tai nạn của BHPA hết lần này tới lần khác cho thấy một nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tai nạn là lỗi phán đoán. Đó là các phán đoán của chúng ta về điều kiện thời tiết, vị trí, nhận thức về việc đang xảy ra, phán đoán sai luồng gió xung quanh địa hình và kiểm soát dù. Tuy có những phi công đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, nhưng các bằng chứng lại chỉ ra rằng rất khó có các tai nạn do lỗi trang thiết bị (không thể truy ngược lại được do việc bảo dưỡng kém hay thiếu kiểm tra). Phủ nhận nguyên nhân của tai nạn là do mình không làm bạn an toàn hơn chút nào. Tất cả các vấn đề về phán đoán được liệt kê trên đây chúng ta đều ít nhiều có thể kiểm soát được. Nếu bạn không chắc về khí tượng học, hay đi học thêm. Nếu bạn không biết gió hoạt động thế nào thì hay đọc lại sách giáo khoa.

Thể hiện, phô diễn

Phô diễn thường kết thúc bằng một vài loại tai nạn, không sớm thì muộn. Đừng có thể hiện. Không ai ấn tượng với một cú wingover phô hay hạ cánh trên dốc hỏng. Về lâu dài, các bạn của bạn sẽ ấn tượng hơn với ghi chép tai nạn sạch sẽ của bạn. Bằng chứng chính xác cũng cho thấy bạn có nguy cơ tai nạn cao hơn nếu có bạn bè hoặc người thân đứng xem. Họ tới để chiêm ngưỡng môn thể thao tuyệt vời mà bạn theo đuổi và sẽ là rất tệ nếu làm họ thất vọng khi họ đợi cả ngày trên ngọn đồi lạnh và đầy gió. Bạn thường sẽ mất tập trung hơn khi kiểm tra trước khi bay nếu bạn có bạn bè và người thân bên cạnh. Hãy cẩn thận, tình huống này đòi hỏi bạn phải cảnh giác hơn và nếu cần thiết, bảo họ quay lại vào một ngày nắng đẹp khác.

Bạn sẽ gặp tai nạn gì?

Bạn có thể chơi một trò chơi đơn giản để cải thiện khả năng tự đánh giá bản thân. Chọn một phi công mà bạn nghĩ là sẽ gặp tai nạn và đánh giá xem là họ sẽ gập tai nạn gì? Có phải họ luôn cất cánh khi gió mạnh? Không để ý tới xung quanh? Sau đó hãy chơi với bản thân bạn. Khi bạn bay, phương diện nào có khả năng gây tai nạn cho bạn nhất? Tiếp cận hạ cánh kém? Không cất cánh tốt khi có gió mạnh hay hạ cánh trên sườn dốc? Dù câu trả lời là gì đi nữa, hãy đưa nó lên ưu tiên hàng đầu để bạn phải giải quyết!

Và nếu bạn là một phi công nhiều kinh nghiệm, đừng nghĩ là tham gia một khóa SIV sẽ phòng chống được tai nạn. Khi bạn đã bay một thời gian dài, có thể những điều đơn giản nhất lại gây ra tai nạn cho bạn chứ không phải là những lần sụp vòm dù. Quá tự tin và tự mãn là hai trong nhiều các nguyên nhân hay gây tai nạn nhất.

Bảo hiểm

Không cần nói thì bạn cũng biết là bạn cần bảo hiểm. Nếu bạn có tai nạn và cần được quan tâm nhiều về y tế và phục hồi thì chi phí bảo hiểm là khoản chi tiêu tốt nhất mà bạn từng trả. Một mẹo để bạn có việc làm chiều Chủ nhật… quay video bạn đi bộ từ mọi phía. Nếu bạn có tai nạn chấn thương cột sống, các bác sĩ trị liệu sẽ rất mong được xem trước kia bạn đi thế nào.

Danh sách phòng tai nạn

Danh sách này không toàn diện, nhưng có vài điểm đáng để bạn suy nghĩ…

  1. Tập trung cao độ khi kiểm tra trước chuyến bay
  2. Có quy trình chuẩn kiểm tra trước khi bay
  3. Đừng tự mãn về bất kỳ phương diện bay nào của bạn
  4. Đừng so sánh bản thân với người khác nếu họ không cùng trình độ với bạn
  5. Phân tích các điều kiện bay một cách đúng mực
  6. Hãy giữ giới hạn an toàn – càng lớn càng tốt
  7. Đừng làm phức tạp hóa thiết bị bay với các thứ không cần thiết.
  8. Tránh các điều ngạc nhiên (đặc biệt là về thời tiết)
  9. Học cách phân tích các tai nạn của bản thân
  10. Học cách phân tích tai nạn của người khác
  11. Không bao giờ đưa ra các lời biện hộ
  12. Chú ý các tín hiệu cảnh báo – bạn chỉ có ngần đấy cơ hội!
  13. Bay với các thiết bị phù hợp với trình độ/ bạn cần đặt mục tiêu gì khi bay
  14. Cải thiện kỹ năng bản thân vào mọi lúc
  15. Nắm vững các điều cơ bản trước khi tiếp tục
  16. Kiểm tra lại thái độ của bản thân
  17. Tập, tập và tập
  18. Đừng bay nếu không an toàn
  19. Hay sống và bay vào một ngày khác – bỏ đi nếu hôm đó không tốt cho bạn
  20. “Con có lỗi” ! Hãy nhận trách nhiệm với những hành động của mình

Dịch bởi "Po Pi" Trần Tú Thi - Vietwings Hanoi 1/2014

Bình luận