Ngoài dù chính, mỗi phi công còn cần trang bị theo mình dù dự bị phòng tránh các trường hợp rủi ro khi bay có thể xảy ra. Cứ mỗi 3 tháng 1 lần, phi công cần lấy dù phụ ra kiểm tra và gấp lại để đảm bảo khi gặp tình huống xấu có thể sử dụng được. (Chú thích: trên ảnh là tình huống giật dù phụ của phi công Long Loco khi bay ở Khau Phạ năm 2015)
Các thành viên CLB tụ họp vào sáng cuối tuần
Trước tiên là học giật dù phụ
Có bốn giai đoạn quan trọng khi bạn quăng dù dự bị:
Giai đoạn 1: Quyết định quăng dù dự bị
Độ cao và hoàn cảnh là những yếu tố quan trọng trong việc bạn quyết định quăng dù dự bị. Nếu đang ở độ cao thấp và cánh dù bị xẹp không thể kiểm soát được, thì nên quăng dù dự bị ngay lập tức, do đó có thêm thời gian để dù dự bị mở và chuyển sang rơi có kiểm soát, cũng như là giúp cho phi công có đủ thời gian để triệt tác dụng và kéo dù chính vào (vấn đề này được đề cập kỹ hơn trong giai đoạn 3).
Nếu bạn còn cao khi cánh dù bị xẹp và bạn đang tìm cách phục hồi cánh dù trở lại trạng thái bay bình thường, thì bạn phải liên tục kiểm tra độ cao để đảm bảo rằng mình có thể mở dù dự bị nếu cần. Cần biết rõ những gì đang xảy ra với cánh dù và tác động lên dây lái đối với cánh dù bị xẹp / và các tác động dây chuyền. Nếu cánh dù bị cravat và rơi vào trạng thái khoan xoắn và tăng tốc độ rơi, hãy quăng dù dự bị vì lực tác động của gia tốc có thể làm mắt bạn bị tối sầm lại rất nhanh.
Giai đoạn 2 : Quy trình mở dù dự bị
Bạn đã quyết định quăng dù dự bị và sờ đến vòng tay kéo màu đỏ. Bạn phải rút tay kéo và dù dự bị ra theo cùng hướng mà nó đã được đưa vào đai ngồi. Nếu bạn kéo tay kéo dù dự bị ở vị trí 180 độ ngang qua đùi thì nó có thể bị mắc kẹt, tay kéo dù dự bị có thể bị rách tung ra do lực tác động mà người phi công gây ra trong lúc hoảng loạn.
Jocky Sanderson huấn luyện kỹ thuật mở dù dự bị là “Nhìn, Xác định vị trí [của tay kéo], Nắm, Kéo và Quăng”. Jocky Sanderson nói, “Bạn kéo tay kéo dù dự bị ra theo đúng đường mà bạn đã bỏ bọc đựng dù dự bị vào, đó là điều hết sức quan trọng. Nó được lôi ra theo cách đã được đưa vào và rồi bạn quăng thật mạnh về phía sau thân người … thoát xa ra khỏi người bạn.”
Giai đoạn 3 : Triệt tác dụng của dù chính
Phật! Bạn cảm nhận thấy dù dự bị mở ở phía sau bạn và cánh dù của bạn bắt đầu bổ nhào về phía trước và phản ứng với việc mở dù dự bị. Kéo mạnh dây điều khiển A để mép trước cánh dù xẹp xuống, rồi sau đó kéo nhanh vào người tất cả dây dù cho đến khi bạn túm được gần hết cánh dù trong tay và không còn khả năng tác động gì nữa. Điều quan trọng là phải triệt tác dụng của vòm dù chính và không để cho nó bay, nếu không một trong ba điều có thể xảy ra:
Cánh dù có thể bay ngược với dù dự bị, làm cho nó bay ngang / rơi xuống đất, dẫn đến tốc độ rơi nhanh hơn nhiều so với chỉ rơi bằng dù dự bị. Jocky Sanderson và Allan Zoller (cơ sở thử nghiệm dù lượn Air Turquoise) đã thử nghiệm lực tác động của cánh dù bay ngang và các thiết bị của họ ghi nhận tốc độ rơi trên 14 m/s!
Cánh dù bay sang một bên và quay xung quanh bạn và dù dự bị (có thể xảy ra sau khi dù chính bị xoắn dây điều khiển và cravat), tăng đáng kể lực văng (Gforce) và tốc độ rơi.
Cánh dù bay vào dù dự bị, va mạnh vào dù dự bị, và làm xẹp dù dự bị và xoắn vào dù chính, kết quả là bạn rơi xuống đất với hai cánh dù bị xẹp trên đầu.
Jocky Sanderson: “Điều quan trọng nhất phải làm là kéo vòm dù chính vào bằng bất cứ cách nào. Lôi dù chính vào và chỉ để rơi xuống bằng dù dự bị.”
Giai đoạn 4: Tiếp đất
Bạn đang rơi xuống bằng dù dự bị với tốc độ 4-5 m/s (tốc độ rơi trung bình của vòm dù tròn). Chuyển vào vị trí treo và chuẩn bị cho việc tiếp đất. Sử dụng kỹ thuật tiếp đất kiểu nhảy dù để giảm nguy cơ bị chấn thương khi va chạm (chân chạm đất trước tiên, sau đó ngay lập tức cuộn tròn sang một bên để phân phối các lực tác động của việc hạ cánh đều dọc theo 5 điểm tiếp xúc của cơ thể với mặt đất). Nếu có gió mạnh, thì tiếp theo phải triệt tác dụng / cắt dù dự bị sau khi hạ cánh để tránh bị lôi kéo và nguy cơ bị chấn thương thêm.
Nếu hạ cánh xuống nước, thì phải bỏ cánh dù và dây đã thu vào ngay trước khi tiếp xuống nước động để tránh bị ‘nhấn chìm’. Mở khóa đai ngồi và nhanh chóng bơi thoát khỏi tất cả đám dây dù và thiết bị. Nếu hạ vào cây, thì phải bỏ vòm dù và dây đang cầm ra ngay trước khi hạ vào cây, phải đảm bảo là tất cả các bộ phận cơ thể thoát khỏi dây dù để tránh bị chấn thương nếu / khi dây dù mắc vào cây. Chuẩn bị / bám người vào các cành cây để tránh bị rơi khỏi cây, sau đó gọi trợ giúp.
Nguồn: Tạp chí Sky Sailor 06-2013 của HGFA Úc, HNPG dịch.
Dù dự bị tròn Là loại phổ biến nhất của dù dự bị.
Sau khi tập ném và kiểm tra dù, HLV Loco đang hướng dẫn các học viên gấp dù phụ và lắp trở lại đai
Phạm Duy Thanh, VietwingsHanoi